09.png01.png08.png15.png16.png07.png02.png04.png12.png13.png05.png03.png19.png14.png17.png11.png18.png10.png06.png

Làm mới tự thân

 

Bài viết dưới đây chỉ là hai trong những câu chuyện nhỏ mà tôi nhặt nhạnh được đây đó từ trong cuộc sống, trong chốn thiền môn. Nhưng, không hiểu sao chúng lại cứ trở về trong tâm thức tôi như thể những nốt nhạc thiền. Hẳn nhiên, chúng không chỉ là những câu chuyện bên tách trà, mà còn có thể giúp cho tôi làm mới tự thân…


“Nắng từ đâu gọi bình minh”

Một lần, tôi vô tình nghe được bài hát của Du Miên Đà Lạt phổ từ thơ của Kiều Mộng Hà: Nắng từ đâu gọi bình minh, do ca sĩ Mai Thiên Vân thể hiện. Đó là một bài tình ca, mà qua đó ta như thấy nỗi đau của tác giả thấm buốt trong từng câu chữ - một nỗi cô đơn khắc khoải suốt đêm thâu cùng trăng, cùng mây, cùng gió:

“Trăng từ đâu / đứng soi nghiêng. Ai cho ta / cái ưu phiền buộc dây. Mây từ đâu / lững lờ bay. Với tay nhặt vội / Mộng trầy buốt đau. Gió từ đâu, / gió từ đâu / gió từ đâu / gió nhẹ rì rào / Ôi chao! / Mình lại mất nhau thật rồi. Đêm từ đâu / thả mộng về / chiêm bao bắt bóng / vân vê cuộc tình”.

Lời ca của Mai Thiên Vân chậm rãi, cao vút, trong vắt và tha thiết chất ngất bao nỗi muộn sầu. Nào “phiền buộc”, nào “trầy buốt”, nào “mất”, nào “mộng”…, chúng cùng “vân vê” nỗi đau “cuộc tình”.

Vậy mà, có một câu, một câu thôi, đã “cứu chuộc” tất cả: “Nắng từ đâu / nắng gọi bình minh / ta ngồi đọc lại / trang kinh Lăng Già”.

Quả thực, tôi đã bàng hoàng khi lắng nghe câu hát đó. Từ “trăng” tới “nắng”, từ “đêm” cho đến “bình minh”, tưởng như tác giả đã lún sâu vào cuộc tình để lại bắt đầu ngày mới với bao lụy sầu, phiền não. Nhưng đâu phải thế! Khi bình minh đến, một hình ảnh tuyệt đẹp cũng đã hiện lên theo: hình ảnh một người đang ngồi đó, điềm nhiên đọc lại “trang kinh Lăng Già”. Nỗi đau đã đi đâu mất cùng đêm. Ánh sáng giác ngộ đã tới theo ngày. Vầng tuệ nhật xua tan tất cả. Tất cả cái tăm tối, u buồn mất dấu không tìm đâu ra nữa!

Thế đó mà tôi bàng hoàng! Ban đầu, tôi thấy một Mai Thiên Vân đang ngồi đọc kinh Lăng Già bên cửa sổ một sớm mai kia. Nhưng tôi bật cười vì cái ý nghĩ ngây ngô đó. Tôi đi tìm tác giả của bài thơ được phổ nhạc để rồi hoan hỷ với Kiều Mộng Hà.

Trong một bài thơ, nữ sĩ thú nhận:

Sáu mươi tuổi
Tôi làm thơ thiền
Như con chiên xưng tội
Tội tổ tiên Sáu mươi tuổi
Tôi tập ngồi thiền
Lưng thẳng tâm nghiêng
Vầng trăng lẩn trốn

(Đời và tôi không thật).

Đi hết “sáu mươi năm cuộc đời” Kiều Mộng Hà mới tập thiền, tập làm thơ thiền, dù còn hơi trầy trật theo kiểu “lưng thẳng - tâm nghiêng”. Nhưng rõ ràng là bà không trễ. Sáu mươi năm trước bà lăn lộn với đau thương cuộc đời - thì cứ coi như đã hết một kiếp; bây giờ, bà đến với đạo, làm mới cho quãng đời về sau. Dĩ nhiên đó là tôi ngây thơ tin theo thơ, bởi cũng rất có thể đó chỉ là cách nói của thi sĩ. Nhưng có một điều tôi tin chắc là Kiều Mộng Hà cũng đã “thâm nhập Kinh tạng” và ít nhiều tìm thấy ánh sáng giác ngộ như trong nhiều bài thơ của bà: Ta là ai? - một giọt sương.  Bình minh chim giảng Kim cương ngộ rồi (Hư không). Hay như: Ta về tìm hạt kim cương. (Lúc xưa tưởng đá nên thường bỏ lăn). A ha! phải hỏi vầng trăng - Ồ viên ngọc đó, ngươi cầm trong tay (Tình cờ). Từ Kim Cương, đến Pháp Hoa, và rồi Lăng Già, Kiều Mộng Hà đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Ai cũng biết Lăng Già là một bộ kinh uyên áo, rất khó lãnh hội. Nhập vào thế giới Lăng Già là nhập vào thế giới Đại thừa siêu việt. Khi viết lời tựa cho kinh Lăng Già, Tô Đông Pha cũng đã từng cảm khái: “Kinh Lăng Già ý nghĩa sâu xa u áo, văn tự súc tích mà cổ kính. Người đọc khó lòng chấm câu cho đúng, còn nói gì đến chuyện bỏ văn để được nghĩa, quên nghĩa để ngộ tâm ru?”.

Gần 30 năm quy y Tam bảo để làm người con Phật, tôi chưa một lần thực sự đọc chánh kinh Lăng Già; thường tôi chỉ đọc Lăng Già qua bài viết của ai đó, hay nghe được từ bài giảng của những vị thầy. Sớm nay, một buổi sớm cuối cùng của năm - như để khỏi thẹn với lòng, khỏi thẹn với thi sĩ Kiều Mộng Hà (và cả với danh ca Mai Thiên Vân!) - sau thời kinh khuya, tôi ngồi bên cửa lật từng trang Lăng Già ra đọc. Mỗi trang kinh, quả thực, là một trang mới của cuộc đời tôi.

 

 

 

 Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=NJSFctwRVEg

 

“Lạy, lạy, và lạy!”


Đó là câu nói của bạn tôi, một tu sĩ trẻ. Câu nói cứ như đùa mà thật, cùng với tiếng cười sảng khoái của thầy.

Thuở đó, thầy còn là Tăng sinh của Học viện PGVN tại TP.HCM, cứ mỗi độ xuân về, trường cho nghỉ Tết chừng một tháng, thầy không về quê hay về chùa Tổ như bao bạn khác mà quấn y quấn áo lên núi Dinh tu tập. Trên đó có ngôi thất của một vị thầy lớn tuổi, Tết đến thầy xuống núi về chùa, nhường lại căn thất cho thầy bạn tôi.

“Ở trên đó thầy ăn gì?” - tôi hỏi.

“Gạo lứt muối mè!” - thầy trả lời.

Chỉ cần vài ký gạo lứt và một hũ muối mè là có thể trụ được một tháng trên núi. Ở rừng núi nên mọi thứ vô cùng đơn giản, khiến cho tâm ý cũng “giản đơn” theo.

Tự trong thâm tâm, tôi vô cùng khâm phục hạnh tu của thầy. Trong thời đại ngày nay, thú vui của cuộc đời như thể nhiều thêm, cả những thú vui “thanh cao” như trò chuyện bên tách trà hay du ngoạn đây đó, đã thu hút không ít những vị Tăng trẻ. Nhưng thầy bạn tôi lại chọn một hướng đi khác: lánh xa những cuộc giao tiếp, chuyện trò vô bổ để hành pháp.

Tôi nhớ, trong kinh Tăng Chi II, Đức Phật tán thán: “… Này Nagita, Ta thấy một Tỳ-kheo ngồi thiền định tại trú xứ ở trong khu rừng. Này Nagita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay vị Tôn giả này, sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tưởng hoặc đạt được sự nhất tâm. Do vậy Ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của vị Tỳ-kheo ấy”. Như vậy đủ thấy, một thầy Tỳ-kheo ở chốn núi rừng, dù trước mắt vị ấy còn ham ngủ nghỉ, thì Đức Phật vẫn cảm thấy yên tâm hơn là một vị Tỳ-kheo ở chốn thành thị bát nháo, dù vị ấy đang ngồi yên thiền định! Trong một bài kinh khác, Đức Phật cũng ca ngợi: “Khả ái thay núi rừng! Chốn ấy người phàm tục không thích ở thì các vị ly dục lại rất thích, vì các vị ở đâu cũng không cốt tìm lạc thú trần tục” (Pháp cú 99).

Vì sao thầy chọn cách tịnh tu trong tháng Tết vui vẻ, nghỉ ngơi? Chẳng phải dân mình thường nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đó sao?! Thầy kể: Tôi hằng kính ngưỡng Hòa thượng thầy tôi. Mỗi năm, bắt đầu từ mùng tám tháng Chạp, Hòa thượng đều nhập thất tu hành cho đến hết mùng tám tháng Giêng. Mọi việc trong dịp Tết, nhất là việc tiếp khách, Hòa thượng đều để cho chúng tôi tự lo liệu. Thuở nhỏ, tôi hình dung trong một tháng ấy, Hòa thượng “luyện công” để tăng thêm nội lực đủ để hoạt động cho 11 tháng còn lại. Cách hiểu đó tuy ngây ngô nhưng không hẳn đã sai. Và, không biết tự lúc nào, tôi nguyện được như Hòa thượng, nhập thất để tập tu một mình…

Tôi hỏi: “Trong thời gian nhập thất, thầy làm gì?”

“Lạy!” - thầy trả lời.

“Rồi làm gì nữa?”

“Lạy!” - thầy đáp.

Tôi kiên trì: “Rồi gì nữa?”

“Lại lạy!” - thầy cười sảng khoái.

Tôi chào thua. Lạy, lạy, và lạy! Trong một tháng, thầy lạy hết ba bộ kinh Vạn Phật, mục đích không ngoài việc sám hối, thanh lọc và làm mới tự thân. Đó là cách “ăn Tết” độc đáo của thầy…

 

* * *


Một năm mới nữa lại bắt đầu. Thông thường người ta hay vạch ra những phương hướng mới để tiếp tục “cuộc đua”. Cuộc đua có thể không có hồi kết như tôi từng đề cập trong một bài viết trước đây. Và người ta lại sẽ vướng phải những nỗi muộn phiền.

Riêng tôi, tôi thích chọn cách làm mới tự thân để khởi đầu một năm như cách mà một người bạn thân của tôi từng làm: dành ra một buổi để ngồi thiền - thiền thật lâu, lâu hơn tất cả những thời thiền khác trong năm, để có thể nhận ra những giới hạn của mình, qua đó phát khởi tâm từ bi, sự lân mẫn đối với tất cả những người chung quanh, bớt đi sự khó chịu với những điều không như ý xảy đến với mình…

 

Đăng Tâm

Trích Báo Giác Ngộ

 

 

>> quay lại <<

Joomla templates by a4joomla