13.png10.png17.png11.png04.png08.png12.png03.png05.png07.png14.png06.png02.png09.png01.png18.png15.png19.png16.png

Chén Trà Tào Khê - Thích Nguyên Tạng

Nghe Trọng Nghĩa và Mộng Lan đọc 

0

Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.

Mỗi buổi khuya, trước giờ công phu, thị giả dâng đến chư Tôn Đức những chén trà đạo vị của Trường Hạ Quảng Đức Úc Châu, khiến tôi nhớ đến mùi thơm của chén trà Tào Khê năm nào. Trong nhà Thiền ai cũng từng nghe qua câu“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ". Hay những cụm từ có tính cách kinh điển hóa như "ăn cơm Hương Tích", "uống trà Tào Khê", "ngồi thuyền Bát Nhã", "ngắm trăng Lăng Già".... 

Ở đây, trà Tào Khê là loại trà như thế nào?Tào Khê, vốn là một địa danh nổi tiếng trong Phật Giáo. Thuở ban đầu Tào Khê là tên của một dòng suối chảy trước Chùa Hoa Nam, thuộc núi Song Phong, Quận Khúc Giang, Thành Phố Thiều Quan, Tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Tương truyền vào năm 502 Tây lịch, một nhà Sư Ấn Độ tên là Trí Dược Tam Tạng đi thuyền sang Trung Hoa để truyền đạo. Khi thuyền đi ngang dòng Tào Khê, Ngài Trí Dược lấy tay vốc nước nếm thử, thấy thơm ngon, liền bảo:“Đầu nguồn suối này ắt có nơi đất tốt". Ngài liền ngược dòng tìm lên nguồn, mở núi dựng chùa, đặt tên là Bảo Lâm Tự (sau này đổi thành Hoa Nam Tự). Về sau, Ngài Huệ Năng, vị Tổ đời thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc, đến đây hoằng pháp, thổi một luồng gió mới cho đời sống tu hành của người đệ tử Phật với pháp tu đốn ngộ. Từ đó hàng triệu đệ tử Phật khắp nơi đã nhờ vào pháp tu của Ngài mà đạt đến hạnh phúc, an lạc, giác ngộ và giải thoát.

Chính vì sự xuất hiện của Lục Tổ Huệ Năng ở Tào Khê mà cảnh trí ở nơi này đã trở thành Phật cảnh, y báo và chánh báo của suối Tào Khê và Chùa Nam Hoa đều viên mãn. Con người giác ngộ ở đâu thì cảnh vật nơi đó đều thay đổi, môi trường sống xung quanh trở nên mát mẻ và thanh thoát. Và cũng từ đó, nói đến Tào Khê là nói về Lục Tổ Huệ Năng và cõi giới tu hành của Ngài. Tào Khê đã trở thành một danh thắng tâm linh, là điểm đến của khách hành hương. Hiện nay có hàng vạn lượt người đổ về đây để chiêm bái mỗi ngày. Khách đến đây được đãi chén trà thơm lấy từ dòng suối Tào Khê trước Chùa, sẽ cảm thấy lòng mình an lạc sảng khoái đến lạ lùng. Chỉ cần được một ngụm trà Tào Khê rồi, hành giả sẽ không bao giờ có thể quên được hương vị độc nhất vô nhị của nó. Thật đúng như lời tự tình của một vị Thiền Sư “Đến đây rồi niềm vui khó tả trình, chỉ nhìn thấy nụ cười luôn hé nở". Và cũng từ đó, dòng suối Tào Khê được xem là tượng trưng cho dòng nước cam lồ có tác dụng tẩy sạch phiền não, nhiễm ô, xóa tan đi mọi bụi trần khổ đau của nhân thế.

Trà Tào Khê thực sự là những giọt nước cam lồ mát dịu, một dòng suối từ bi chảy dài xuyên suốt qua bao thế kỷ, mang theo chất liệu mát ngọt của trí tuệ và từ bi để nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng của bao thế hệ nhân sinh. Hình ảnh chén trà Tào Khê trong cửa thiền của Tổ Huệ Năng lưu lại nét đẹp lung linh kỳ ảo, nhìn vào đó ta thấy tất cả cội nguồn tâm linh của quá trình dấn thân hành đạo của chư vị tiền bối, từ Phật Tổ Thích Ca; Sơ Tổ Ca Diếp; Nhị Tổ A Nan; Tổ 28 Ấn Độ và cũng là Sơ Tổ Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma, rồi truyền xuống cho Huệ Khả; Tăng Xán; Đạo Tín; Hoằng Nhẫn và Huệ Năng.

Lục Tổ Huệ Năng (638-713) là người đắc đạo lúc chưa xuất gia, là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông, là đệ tử truyền thừa của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài họ Lô, sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm nên không được đi học, lớn lên làm nghề bán củi để nuôi mẹ. Năm 22 tuổi, một ngày nọ, nhân đem giùm củi về nhà cho người mua, nghe lời Kinh của một người đang tụng, thấy hay, Ngài liền hỏi tụng Kinh gì, người đó bảo là Kinh Kim Cang, vì do đi lễ Chùa Đông Thiền ở Huyện Huỳnh Mai, xứ Kỳ Châu, nghe Tổ Hoằng Nhẫn giảng rằng nếu ai thọ trì Kinh Kim Cang thì sẽ thấy Tánh và thành Phật. Nhờ có nhân duyên từ kiếp trước, nên Ngài Huệ Năng đã được người giúp cho 10 lượng bạc để lo cho mẹ già, rồi Ngài an tâm lên đường để tìm đến Huỳnh Mai tu học. Đi bộ gần hai tháng trời mới đến nơi. Khi gặp Ngài, Ngũ Tổ hỏi: "Con là người phương nào, đến đây cầu việc gì?" - Huệ Năng đáp: "Con là người ở Lãnh Nam, đến đây chỉ cầu thành Phật" - Ngũ Tổ bảo: "Là người Lãnh Nam, giống người dã man, thành Phật thế nào được ?” - Huệ Năng thưa: "Con người tuy phân có Nam Bắc, nhưng Phật tánh nào có Bắc Nam?".

Qua cách đối đáp, Tổ Hoằng Nhẫn nhận ra ngay đây không phải là người thường, nhưng không truyền pháp ngay, cho xuống bếp làm công quả gánh nước, giã gạo... Hơn tám tháng sau, Ngũ Tổ thấy đã đến lúc phải truyền tâm ấn cho người kế thừa, nên tập chúng và ra lệnh cho chúng đệ tử mỗi người viết kệ trình bày sở chứng của mình. Lúc ấy chỉ có Thầy Thần Tú, một đệ tử lớn, tri thức xuất chúng, đã trình kệ: "Thân thị Bồ đề thọ,Tâm như minh cảnh đài, Thời thời cần phất thức, Vật sử nhạ trần ai.” Nghĩa là:“Thân là cội Bồ đề, Tâm như đài gương sáng, Phải luôn nhớ lau chùi, Chớ để dính bụi trần.” Ngài Thần Tú so sánh thân người như cây Bồ-đề và tâm người như đài gương sáng, người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Lúc ấy, Tổ Huệ Năng đang giã gạo trong bếp, nghe đọc bài kệ, biết người làm chưa tỏ ngộ đạo mầu, nên Ngài đã nhờ người khác viết bài kệ của mình như sau: "Bồ-đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai?”nghĩa là: “"Bồ-đề vốn không cây, Gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi trần ?". Nghe bài kệ, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Huệ Năng vượt hẳn Thần Tú, đã kiến tánh, nhưng sợ tổn hại đến Huệ Năng, nên nửa đêm gọi Ngài vào tịnh thất và thuyết trọn Kinh Kim Cang cho Ngài. Khi nghe đến câu "Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”: “Hãy nương nơi không có chỗ nương, mà khởi tâm kia". Tâm kia chính là tâm thanh tịnh, tâm giác ngộ, tâm giải thoát; có nghĩa là nếu để tâm mình dính mắc vào đối tượng nào đó thì mình bị ràng buộc, phiền não và khổ đau. Ngài Huệ Năng hoát nhiên đại ngộ và thốt ra bài kệ:“Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt, Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, Nào ngờ tự tánh vốn không dao động, Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn Pháp”. Ngũ Tổ liền truyền y bát cho Ngài và khuyên nên đi về phương Nam để hành đạo.

Tiếp đó, trong suốt 15 năm, Ngài Huệ Năng vẫn trong thân phận là cư sĩ, ở ẩn trong nhóm người thợ săn và tùy nghi thuyết pháp cho họ. Họ bắt Ngài giữ lưới, thấy có thú rừng lọt vào thì mở ra thả, đến bữa ăn thì Ngài phương tiện ăn rau luộc gởi trong nồi thịt của họ. Sau đó, cơ duyên đến, Ngài về chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, chứng kiến 2 vị Tăng tranh cãi quyết liệt, bất phân thắng bại về tấm phướn treo trước chùa. "Phướn động hay gió động?". Tổ Huệ Năng khai thị: "không phải gió động, cũng không phải phướn động, mà tâm các vị động", lúc ấy Thầy Trụ Trì Ấn Tông đến hỏi: "Nghe nói y pháp Huỳnh Mai đã truyền về phươngNam, phải chăng là hành giả đây?”. Lúc đó Ngài mới tự nhận mình là truyền nhân của Ngũ Tổ. Sư Ấn Tông tổ chức lễ thế phát cho Ngài và nhận Ngài làm Thầy.

Sau đó, Tổ Huệ Năng bắt đầu giáo hóa ở chùa Pháp Tánh, rồi về Chùa Bảo Lâm ở suối Tào Khê và thành lập Nam tông Thiền Phái, xiển dương pháp tu đốn ngộ, tức chứng ngộ ngay tức khắc, một sự nhảy vọt bất ngờ, mang tính trực giác, trong lúc Ngài Thần Tú chủ trương tiệm ngộ, pháp tu giác ngộ từ từ theo thời gian, dùng suy luận, tu tập theo chỉ dạy của kinh sách mà giác ngộ. Trong cuộc tranh chấp giữa hai phái đốn ngộ và tiệm ngộ, pháp môn của Tổ Huệ Năng đã chứng tỏ sinh lực của mình, sản sinh ra vô số Đại sư và trở thành truyền phái đích thật của Phật pháp tại Trung Quốc và truyền ra nước ngoài, còn phái của Ngài Thần Tú chỉ vài thế hệ sau là khô chết.

Sau đời của Tổ Huệ Năng, chén trà Tào Khê theo chân của các Thiền Sư truyền đến Việt Nam. Tại VN qua sự truyền thừa của Tổ Sư Minh Hoằng Tử Dung, khai sơn chùa Ấn Tôn, tức chùa Từ Đàm, Huế; Tổ Sư Minh Hải Pháp Bảo, khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam; Pháp Phái Liễu Quán xuất phát từ Tổ Liễu Quán quê ở Phú Yên, đệ tử cầu pháp với Tổ Sư Minh Hoằng Tử Dung. Thiền Phái Lâm Tế Liễu Quán đã phát triển rực rỡ ở Huế, Nha Trang, Sàigòn và Lâm Tế Chúc Thánh qua sự giáo hóa của Tổ Minh Hải Pháp Bảo đã truyền trì và phát triển mạnh ở Hội An, Quảng Nam, Bình Định...

Pháp phái Lâm Tế Liễu Quán do Tổ Liễu Quán truyền theo bài kệ như sau:

"Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận 
Đức Bổn Từ Phong, Giới Định Phước Huệ , Thể Dụng Viên Thông 
Vĩnh Siêu Trí Quả, Mật Khế Thành Công, Truyền Trì Diệu Lý 
Diễn Xướng Chánh Tôn , Hạnh Giải Tương Ưng, Đạt Ngộ Chơn Không”.

Pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh do Tổ Minh Hải khai sáng được truyền thừa thứ tự theo bài kệ truyền pháp ở Quảng Nam như sau:“Minh Thiệt Pháp Toàn Chương, Ấn Chơn Như Thị Đồng, Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu, Kỳ Quốc Tộ Địa Trường, Đắc Chánh Luật Vi Tuyên, Tổ Đạo Giải Hạnh Thông, Giác Hoa Bồ Đề Thọ, Sung Mãn Nhân Thiên Trung”.


Trong khi ở Bình Định, bài kệ này được truyền lại như sau: “Minh Thiệt Pháp Toàn Chương, Ấn Chơn Như Thị Đồng, Vạn Hữu Duy Nhất Thể, Quán Liễu Tâm Cảnh Không, Giới Hương Thành Chánh Quả, Giác Hải Dũng Liên Hoa, Tinh Tấn Sanh Phước Huệ, Hạnh Trí Giải Viên Thông, Ảnh Nguyệt Thanh Trung Thủy, Vân Phi Nhật Khứ Lai, Đạt Ngộ Vi Diệu Tánh, Hoằng Khai Tổ Đạo Trường”.

Trong khi đó ở miền Bắc Việt thì có Phái Thiền Tào Động, do các Ngài Tào Sơn Bản Tịch (840-901) và Động Sơn Lương Giới (807-869) sáng lập từ Trung Hoa truyền vào, nhiều chùa được tạo dựng như Chùa Trấn Quốc, Chùa Hòe Nhai để truyền bá Phật Pháp. Nhìn chung, cả 3 phái Thiền từ Trung Hoa sau thời của Ngài Huệ Năng, phái Tào Động ở Đàng Ngoài dưới thời Chúa Trịnh, hai phái Lâm Tế Liễu Quán và Lâm Tế Chúc Thánh truyền ở Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn, về sau đều phát triển và ảnh hưởng rộng khắp trên toàn cõi VN, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. Đặc biệt sau 1975, các dòng Thiền này được người con nước Việt truyền ra và phát triển mạnh ở Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu & Úc Châu. Mong rằng chư Tôn Đức Tăng Ni khi làm lễ quy y cho các đệ tử, nên đặt pháp danh theo các bài kệ truyền thống trên để gìn giữ mạng mạch truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

 

Dòng suối Tào Khê cũng chảy xuống xứ sở Triều Tiên một cách mạnh mẽ, hiện tại tông phái Thiền sâu rộng nhất là Thiền phái Tào Khê (Jogye) được Thiền Sư Đạo Nghi (Myeongjeok Doui, 1301-1382), một Tăng sĩ Hàn Quốc nổi tiếng trở về từ Trung Hoa vào năm 1346 và lập nên Thiền phái này trong triều đại Tân La Thống Nhất (Unified Silla). Ngài cho rằng Thiền là một pháp tu tốt nhất để đạt tới giác ngộ. Những bộ kinh căn bản của Thiền phái này là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang và Kinh Pháp Bảo Đàn. Có khoảng 1725 ngôi chùa là chi nhánh ở khắp trong và ngoài Triều Tiên, và có khoảng 10.056 Tăng Ni và khoảng gần 10 triệu Phật tử qui y theo phái Tào Khê này.

Bên cạnh Triều Tiên, dòng suối Tào Khê cũng chảy qua xứ hoa Anh Đào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 9 từ Trung Hoa, tại đây hai Thiền phái Lâm tế và Tào Động đều ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Lục Tổ Huệ Năng.

- Thiền phái Lâm Tế (Rinzai Sect): Do công khai sáng của Thiền Sư người Nhật Vinh Tây (Eisai, 1141-1215). Ngài xuất gia từ năm mười ba tuổi ở chùa An Dưỡng (Annyo) ở Kibitsu. Ngài đã đến Trung Hoa để học đạo trong hai lần, vào những năm 1168 và 1187. Lần sau cùng Ngài về đến Nhật vào năm 1191 và xây dựng chùa Shofuku ở Hakata. Ngôi chùa này được xem là ngôi chùa đầu tiên trên đất nước này. Năm 1215, triều đình Nhật xây dựng Chùa Kiến Nhân (Kennin-ji) tại Kyoto, Ngài được thỉnh về chứng minh Đạo Sư cho ngôi già lam này. Ngài cũng được xem là người có công trong văn hóa uống trà của Nhật, Ngài đã mang giống trà từ Trung Hoa về trồng ở Nhật. Vị Thiền Sư nổi tiếng của Thiền phái này về sau là Ngài Bạch Ẩn (Hakui Ekaku, 1685-1786) với những tác phẩm để lại cho đời. Ngày nay ở Nhật có 14 chi phái thuộc dòng Thiền này, tuy không hợp nhất về tổ chức, nhưng vẫn theo đuổi lý tưởng ban đầu của Tổ Sư Vinh Tây. Thiền Tào Động (Soto/Tsao-tung): Là một trong năm Thiền phái chính của Trung Hoa và là một trong mười ba Tông phái chính của PG Nhật. Đây là một Thiền phái kiểu mẫu như để so sánh với Thiền Lâm Tế. Nếu Lâm Tế thích ứng với giới thượng lưu trí thức, thì Tào Động lại gần gũi với tầng lớp bình dân. Thiền Tào Động được Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) khai sáng. Ngài Đạo Nguyên vốn là đệ tử của Tổ Vinh Tây, sau đó Ngài sang Trung Hoa du học và trở về Nhật Bản xây dựng Thiền phái này. Người kế thừa và làm lớn mạnh dòng Thiền này là Thiền Sư Suzuki Shosan (1579-1653). Hiện nay ngôi già lam chính của Thiền phái này là Chùa Tổng Trì (Soji-ji) ởYokohama do Thiền Sư Hành Cơ (Gyogi, 666-749) tạo dựng năm 1321.

 

Sự phát xuất của lá trà Tào Khê cũng lung linh kỳ tuyệt, đó là lá trà của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Năm xưa, lúc Ngài từ Ấn sang Trung Hoa để truyền đạo, vì chưa đến cơ duyên để khai thị cho Vua Lương Võ Đế, nên đã vào núi Thiếu Lâm để thiền tọa 9 năm, chờ đợi thời cơ, trong lúc thiền tọa Ngài ngủ gật, bực mình, Ngài đã đưa tay xé mí mắt của mình, vứt xuống đất, ngay tại đó, đã mọc lên một loại cây có lá xanh tươi, lấy lá đó nấu nước uống, tỉnh thức đến lạ kỳ, về sau người ta gọi đó là lá trà. Giờ đây chúng ta uống chén trà này, lá trà lấy từ Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma và lấy nước từ suối Tào Khê của tổ Huệ Năng, để tạo nên một chén trà tỉnh thức giác ngộ. Đó là một hình ảnh tuyệt mỹ lấp lánh có một không hai trên thế gian này.

Tóm lại, dòng chảy giác ngộ và tỉnh thức kia đã bắt nguồn từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn Ấn Độ, rồi chảy xuống Trường An, Lạc Dương, rồi nối kết với dòng suối Tào Khê ở Quảng Châu, rồi chia ra thành 5 nhánh (1. Lâm Tế, 2. Quy Ngưỡng, 3. Tào Động , 4.Vân Môn, 5. Pháp Nhãn), trong đó, có nhánh chảy qua Triều Tiên, Nhật Bản, có nhánh chảy vào Việt Nam, rồi lan truyền đến các quốc gia phương Tây. Dòng suối mát Tào Khê hiện đã chảy vào các vùng đất lạ ở trên toàn cầu như Trung Đông và Châu Phi. Dòng suối mát Tào Khê, chảy đến đâu đều mang lại đặc chất mát dịu, ngọt ngào và tỉnh thức đến đấy, ai đó có duyên may uống được ngụm trà Tào Khê này lập tức nhận ra đường đi lối về của nhân quả nghiệp báo, để rồi lo tĩnh tu giác ngộ và giải thoát./.

 

 

Viết tại Trường Hạ Quảng Đức kỳ 15, 2014

Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng


Tài liệu tham khảo:
- Kinh Pháp Bảo Đàn (HT Thích Duy Lực dịch, xuất bản 1992)
- Phật Giáo Khắp Thế Giới ( Thích Nguyên Tạng, xuất bản 2001)

 

 

>> quay lại <<

Joomla templates by a4joomla