13.png02.png04.png09.png17.png10.png19.png03.png14.png05.png16.png06.png11.png08.png12.png15.png01.png18.png07.png

Dấu Vết Chim Di - Tản mạn Trịnh Công Sơn

 

Nghe Khánh Ly hát Cúi Xuống Thật Gần, bản thu âm trước 1975 

 

 

 [ Một ]

Dấu chấm hỏi

Chính cái „dấu chấm hỏi“ ấy là một điều kỳ diệu.

Chưa hề có một ký hiệu nào mà mọi ngôn ngữ trên thế gian này đều phải sử dụng đến nó như cái dấu chấm hỏi này. Bạn thấy không? Sách báo dù viết bằng chữ Tàu, chữ Nhật, chữ Đại Hàn… hay bằng chữ Ả Rập, chữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp v.v… đều phải cần đến nó để kết thúc một câu hỏi. Có nó ở cuối câu thì câu hỏi mới ra câu hỏi. Xem ra nó có tính quốc tế cao nhất trong mọi ký hiệu, mọi mẫu tự của trần gian.

 

Nguồn hình: Internet - Cúi xuống, cho bóng đổ dài

Tại sao vậy?

Ai mà biết được! Chắc tại vì cuộc đời này còn có quá nhiều khoảng bí ẩn, còn có quá nhiều sự việc chẳng bao giờ có đáp án nên vẫn phải cứ hỏi mãi. Hay vì cuộc đời có quá nhiều trầm luân, cái mà trong nhà Phật gọi là „khổ“. Ai cũng khổ, có mặt trên đời này là đã khổ. Niềm vui thường muôn hình vạn trạng nhưng những nỗi khổ thì thường giống nhau. Chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, kể cả những nỗi buồn tình phụ hay nỗi đau chia ly thì ở đâu cũng hệt như nhau.

Tôi đã chợt nhận ra điều đó trong một hôm mùa đông tuyết phủ lạnh cóng lái xe trên xa lộ ở Đức. Hôm ấy, giữa mùa đông tuyết lạnh, tôi một mình một xe giữa dòng xa lộ tấp nập.

Bạn có bao giờ lái xe một mình giữa xa lộ chưa? Đó là một khoảng không gian nhỏ, chỉ có mình với mình giữa dòng đời nhiều xe cộ trôi chảy. Thật thú vị. Hôm ấy tuyết vẫn tiếp tục rơi và xe tôi vẫn tiếp tục lăn bánh về phía trước. Đường sá đã được dọn tương đối sạch sẽ, xe cũng đã sưởi ấm áp nên tôi bậc máy radio chuyển sang nhạc Việt nam để nghe. Bỗng dưng gặp được tiếng hát Khánh Ly qua một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Cúi xuống

Cúi xuống

cho máu ngược dòng

cho nước sông cạn nguồn

Bài ca ấy tôi đã từng nghe nhiều lần, nhưng hôm nay trong khung cảnh này, lúc tôi một mình đối diện với tôi, tôi bỗng muốn đứng tim, nước mắt chực tuôn chảy. Tôi thấy ngay trước mắt hình ảnh người nông dân cơ cực, lưng cong quằn, đầu gục xuống đất - trông như một dấu chấm hỏi. Cúi xuống. Dấu chấm là cái đầu, cứ lắc qua đưa lại theo tiếng hát trong vắt mang ít nhiều nét khắc khổ và liêu trai của Khánh Ly, trải dài trên nét nhạc Trịnh Công Sơn. Cúi xuống thì chắc chắn máu sẽ chảy ngược. Có ai muốn tự mình cúi xuống đâu, nếu không bị bắt buộc hay ép phải cúi xuống. Trịnh Công Sơn tài tình quá.

Cảm xúc dâng trào ngẹn cổ, không thể lái xe tiếp được nên tôi phải dừng ở một trạm xăng giữa xa lộ, tìm một góc yên tĩnh và gọi ngay một ly cà phê. Thời tiết xấu nên trạm xăng vắng người. Nâng ly cà phê ấm áp trong tay tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai:

Cúi xuống, cúi xuống cho trái tim dập dồn

(chắc chắn rồi, máu ngược dòng thì tim phải dập dồn)

Cho đam mê thay vào đổ nát quê hương…

Đam mê này, khắc khoải kia chính là tâm trạng của chúng tôi, những thanh niên, những sinh viên, những học sinh mang nặng tình yêu thương quê hương đất nước sinh ra và lớn lên trong những ngày chiến tranh mù mịt. Người ta, cả phe này và phe kia, gán Trịnh Công Sơn tên gọi là nhạc sĩ phản chiến khi anh viết như thế. Còn khuya! Trịnh Công Sơn cao hơn thế, vĩ đại hơn thế. Nếu nói là ca sĩ phản chiến như kiểu Bob Dylan thì còn có thể nghe được, bởi lẽ Bob không chỉ chống chiến tranh. Những nhạc phẩm nổi tiếng của Bob như Blowin' in the Wind đã một thời trở thành thánh ca cho những hoạt động xã hội và nhân quyền. Trịnh Công Sơn cũng thế, anh chính là nhạc sĩ kêu gọi hòa bình và yêu thương. Cả những ngày chiến cuộc lên cao điểm nhất anh Sơn cũng đã nói ý rằng: không có kẻ thù chỉ có anh em một nhà người Việt giết người Việt (Hãy mở mắt ra lật xác quân thù, mặt người Việt-Nam trên đó). Anh đã thấy rằng: những giọt máu đến ngày trổ bông, nở hòa bình… nên nổ lực đi kêu gọi hòa bình bằng lời ca tiếng đàn của mình: Nhân danh Hòa Bình ta chống chiến tranh / Nhân danh cơm áo ta chống chiến tranh / Nhân danh xương máu ta quyết đòi Hòa Bình… Không, anh Sơn vượt lên trên khỏi những lý thuyết tầm thường của chiến tranh ý thức hệ ấy. Phải chăng, cũng vì những quan điểm ấy mà anh là kẻ luôn bị đứng giữa hai lằn đạn, cả bên này và luôn bên kia? Anh là một nghệ sĩ chân chính, không hề uốn cong ngòi bút như nhiều nhà văn hóa văn nghệ khác. Một nhân sĩ có tiếng ở miền Bắc, triết gia Trần Đức Thảo, sau 1975 lần đầu vào nam bất chợt nghe nhạc Trịnh Công Sơn đã phải bàng hoàng nói rằng: Đấy là thứ âm nhạc phát ra từ trái tim của dân tộc (Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo, Những lời trăng trối - tr. 212).

Cả với một bài hát ta vẫn rất thường hát. Có khi hát một mình, hát đông người, có lúc hát với đàn, hát vổ tay hay chỉ hát lẩm bẩm một mình. Ấy là bài Nối vòng tay lớn. Hát đến chỗ câu: Nối trọn một vòng Việt Nam, thì ai cũng hiểu vì đó là ước vọng của mọi người sau bao nhiêu năm đất nước chia đôi, anh em một nhà cấu xé nhau. Nhưng nếu chỉ có thế thì ta giải thích như thế nào về câu này, câu kết thúc thật sự của bài hát, kể cả về mặt cấu trúc lẫn ý nghĩa. Đó là câu: Nối trọn một vòng tử sinh. Đây chính là cốt cách cao đẹp của anh Trịnh Công Sơn. Hết chiến tranh huynh đệ tương tàn là niềm vui, anh em sum họp một nhà là nỗi hạnh phúc. Nhưng đó chưa chở hết ý nghĩa của „rừng núi giang tay nối lại biển xa“. Đời người còn có những việc trọng đại hơn. Việc tử việc sinh. Ngã ba giữa hai con đường tử sinh là ngã ba lớn nhất của một kiếp người. Ý tưởng ấy bàng bạc trong hầu hết những bài hát của anh Sơn, ai tinh ý thì mới thấy được.

Nhưng sở trường chính của anh Sơn có lẽ là tình ca. Tình ca của anh viết cho mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi giai cấp ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Đặc biệt là những bài tình ca ấy không chỉ gói trọn trong tình yêu đôi lứa mà còn mở rộng ra tình yêu thiên nhiên, tình với vũ trụ vạn vật. Yêu trời mây, yêu sông biển, yêu phố xá, yêu quán vắng, yêu cả nhật nguyệt, hay yêu luôn những vật nhỏ như hòn đá, viên bi, hạt bụi; yêu luôn đàn bò, con cá, con chim… Người ta nói, anh viết nhẹ nhàng, nghe như thơ. Tôi xin nói thêm: nghe như thở. Nghe nhẹ nhàng chợt đến chợt đi, tự nhiên, như thở vào thở ra, như cuộc sống, như ăn cơm uống nước …

 

[ Hai ]

Hoài niệm - Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ.

 Nhớ hôm nọ ngồi hầu chuyện với một vị Sư tại một tu viện ở Pháp. Sư hỏi, tôi quen Trịnh Công Sơn không? Tôi trả lời rằng nếu gọi quen thì không đúng nhưng có gặp mặt rồi. Sư lại hỏi có gặp thường không? Tôi trả lời, dạ có gặp hai lần rưỡi và trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng luôn hoàn toàn yên lặng. Sư cười và hỏi tại sao?

Bởi vì, có một lần tôi gặp anh ở Huế trong một tối anh ôm đàn hát cho khoảng mười mấy thân hữu nghe. Anh hát và mọi người trầm ngâm yên lặng ngồi nghe, không cười, không nói, không vỗ tay. Nghe xong rồi ai nấy ra về lòng tràn đầy xao xuyến. Hôm đó tôi quá xúc động khi nghe những câu hát cho thân phận tuổi trẻ chúng tôi: Lại gần, gần lại với nhau. Ngồi gần nhau hơn, ngồi kề bên nhau. Đừng bỏ tôi đi, hai mươi năm rồi. Còn gì cho anh, còn gì cho tôi, còn gì cho em? Không còn gì, không còn gì, còn lại chiến tranh.

Lần sau tôi gặp anh tình cờ ở Sài Gòn, trong quán Cà phê Nắng Mới trước Đại học Vạn Hạnh. Tiệm Cà phê có nhạc, cà phê phin thơm ngon và sang hơn những quán cóc ở gần Vạn Hạnh nên hằng ngày tôi thường đi ngang qua nhưng ít khi vào đó lắm. Hôm ấy mấy người học trò tôi dạy kèm muốn khoản đãi gia sư sau khi thi đậu nên họ dắt tôi vào. Vào thì thấy đã có anh Sơn ngồi ở đó. Nắng Mới có bàn thấp, ghế thấp nên khi khách đông thì xích lại gần nhau uống cà phê nghe nhạc, rồi tự trả tiền cho mình. Một lát mấy người học trò dạy kèm của tôi phải đi làm và sau đó có vài văn, thi sĩ vào cũng kéo ghế ngồi xuống gần tôi (những vị ấy là những bậc đàn anh của hay có liên hệ với Vạn Hạnh). Một lúc sau đông khách thì ghế tôi vô tình xích dần gần chỗ ngồi anh Sơn. Có lẽ thấy mấy anh ra vào cứ chào hay cười với tôi nên anh quay lại hỏi nhỏ: „toi“ làm chi? Tôi đáp gọn: dạ, sinh viên. Một cuộc hội thoại chỉ có sáu chữ, lại có một chữ Tây (toi=bạn, em, anh, mi)

Lần thứ ba tuy không gặp anh nhưng lại ghi dấu trong tôi một hình ảnh rất đặc biệt. Gặp hôm rảnh rỗi, một vị Sư trong Vạn Hạnh rủ tôi lấy xe Honda chở đến nhà anh Sơn chơi. Tôi chỉ dạ và lấy xe đi ngay. Trong mảnh trí nhớ ít ỏi còn lại trong tôi bây giờ, tôi đã chạy xe lòng vòng tìm nhà ở đường Pasteur hay Công Lý, rồi đến một ngôi nhà thật xinh và rất khang trang (gần 40 năm trôi qua với biết bao nhiêu biến động rồi còn gì, mà hôm đó người chỉ đường cũng chỉ nhớ lơ mơ vậy thôi). Nhưng sau này đọc sách viết về anh thì thấy ghi là nhà ở đường Duy Tân. Hơn 30 năm ở hải ngoại tôi vẫn chưa có cơ hội quay lại những con đường ấy. Hôm ấy anh vắng nhà, chỉ gặp mẹ của anh. Cụ bà thật phúc hậu, tuy không biết chúng tôi là ai nhưng rất niềm nở, nhất là trong hai chúng tôi có một vị tu sĩ mà cụ bà rất mộ đạo Phật. Tôi gọi lần ấy là một nửa lần, nhưng lại là lần gây ấn tượng nhất. Tại sao, tôi sẽ nói sau.

Những lần gặp như thế thì chưa hẵn gọi là đã gặp. Nhưng cũng bao nhiêu người yêu nhạc Trịnh Công Sơn khác, tôi gặp anh rất thường. Tôi gặp anh ngay trong quán cà phê khi tôi nghe nhạc anh, tôi gặp anh khi chính tôi ôm đàn ghi-ta ê a các lời nhạc của anh, tôi gặp anh trên xe của tôi qua những CD nhạc… Anh có mặt mọi nơi trong chúng ta với hơn 600 bài nhạc, trong lòng những người yêu mến nhạc của anh.

 

[ Ba ]

Xin hãy giữ bức chân dung như chính người nghệ sĩ ấy.

 Bây giờ, sau khi anh Sơn nằm xuống, có rất nhiều người viết về anh Sơn. Có những bài viết thật giá trị về người nhạc sĩ tài hoa từ những bạn bè của anh, từ những người quý mến anh. Nhưng cũng không ít bài viết tán hươu tán vượn về ca từ Trịnh Công Sơn theo những cái nhìn cá nhân độc đoán hoặc có khi còn nặng lời phê phán, nghiêng bên này ngả bên kia. Tệ hơn, có người còn cố gắng đóng khung những bài hát tuyệt vời ấy và đem gán cho một vài hình ảnh cá nhân.

Người ta đang có khuynh hướng dùng kính lúp quan sát kỹ lưỡng những chi tiết về cuộc đời của người nhạc sĩ rồi chia khung, đóng dấu vào những bài hát của anh. Họ nói bài này viết cho cuộc tình này, cho đôi mắt nọ, cho má hồng kia… Đó là những con dấu đóng chia loại khá nguy hiểm. Có cần làm như thế không? Người nghệ sĩ có những tình cảm riêng tư, nhưng hơn ai hết họ cũng có những cảm ứng với thiên nhiên, với đất trời… nhất là những nghệ sĩ tài hoa như Trịnh Công Sơn. Cái tài của người nhạc sĩ là viết làm sao để người nghe ai cũng thấy chính mình có mặt trong đó. Có thể Trịnh Công Sơn thấy Diễm Xưa của anh đi trong mưa, bên tầng tháp cổ và những lăng tẩm, đình chùa ở Huế. Cũng hình ảnh ấy nhưng khi nghe nhạc của anh tôi thấy tháp cổ của tôi chính là Nhà hát lớn Sài Gòn trong buổi tối uống cà phê muộn góc hè phố Lê Lợi, hay buổi chiều đi dạo cảng ở gần nhà thờ St. Michaelis Hamburg. Và ngoài trời mưa vẫn cứ mưa bay để „đường dài hun hút cho mắt thêm sâu“, „để người phiêu lãng quên mình lãng du“. Anh tiễn người yêu của anh giữa khung trời gió lạnh Đà Lạt, còn người khác đưa người tình đi giữa sân ga Berlin đầy tuyết phủ nhưng vẫn có thể cứ thương cho „cánh vạc về chốn xa xôi“. Đóng khung cảnh ấy lại thì tội nghiệp cho anh Sơn lắm.

Dường như bây giờ người ta đã quá quen tật làm gì cũng phải ghi tờ khai sơ yếu lý lịch, quen cảnh ở trọ thì phải đăng ký… Anh Sơn cũng từng đã chán ngắt cái cảnh ấy, cảnh kiểm điểm phán xét, cảnh Người đi quanh thân thế của người, một trăm năm hay tiếng thở dài… Kể cả khi ai đó lẩm nhẩm hát Bống bồng ơi thì vẫn nghĩ là đang hát với nàng Bống của mình (chứ không phải hát cho ca sĩ Hồng Nhung).

Xin nhớ, anh Sơn đã từng viết là: "Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình". Hay nói như anh Cao Huy Thuần, một người bạn thân và rất hiểu anh Sơn rằng, cô gái trong Diễm Xưa là một con người vừa có thực vừa là một nhan sắc hư ảo. Đúng vậy, con người thực kia là những khoảnh khắc của nhạc sĩ nhưng người nghe và người hát cũng có những khoảnh khắc của riêng họ. Một trăm năm sau người ta cũng sẽ nghe nhạc tình Trịnh Công Sơn và cũng sẽ tìm thấy thấp thoáng hình bóng người yêu của họ trong ấy.

Có chuyện kể lại chuyện rằng. Có lần đi dạo vườn Luxemburg ở Paris, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của chúng ta đã tâm sự: trong vườn Lục Xâm Bảo có rất nhiều pho tượng của các danh nhân, văn sĩ, hoạ sĩ, triết gia lớn của nhân loại làm người ta thấy lòng nhẹ nhàng và nể phục. Đi dạo công viên ở Việt Nam chỉ gặp tượng của anh hùng - vì đất nước ta có quá nhiều anh hùng (xin miễn bàn thêm!!!).

 

[ Bốn ]

Ngủ dưới vòm cây. Ấy là nơi yên nghỉ, không phải ngôi mộ.

 Ngày 01.04.2001 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời. Chưa bao giờ có một người ra đi mà tôi nhận nhiều Emal báo tin như thế. Ác nỗi hôm ấy là ngày 01.04, nên giữa những tin trêu chọc của bạn bè và đồng nghiệp tôi nhận mười mấy Email về tin anh Sơn. Tôi không dám nghĩ là những vị ấy đùa với tôi nhưng tin đến quá nhanh làm tôi thật bàng hoàng. Chuyện không phải đùa nhưng lại như đùa. Nghĩ cũng phải, cuộc đời anh Sơn có khi cũng là thế.

 

Tượng khắc nổi bằng một phiến đá do nhà điêu khắc Nguyễn Sánh thực hiện.

Từ bao giờ anh đã viết rằng, cuộc sống trần gian chẳng hơn gì một nhà trọ. Phải chăng vì vậy nên anh cố tình chọn ngày 01.04 để từ giã ra đi? Tôi cũng đón nhận tin buồn như thế - chưa kịp buồn vui, bỗng thấy trời đất lung lay. Nhưng sao nhanh quá, nhanh như một lần trả chìa khóa checkout trong khách sạn. Hết mấy hôm trọ, khách lại ra đi, chưa tròn lời từ giã. Thật chớp nhoáng, thật lẹ làng. Khi còn trẻ anh Sơn đã từng đùa vui với cuộc đời rằng: “Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Anh còn bình thản, giọng cà rỡn và tinh nghịch hát thêm: í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ... í! (Ở Trọ).

Trong một chuyến về thăm nhà ở Việt Nam tôi nhất quyết phải tìm đến thăm mộ của anh. Tôi đã tìm đến nghĩa trang ở Gò Dưa, Thủ Đức. Gọi đó là ngôi mộ thì cũng không đúng lắm vì khoảnh đất kia không có nấm mồ. Khoảnh đất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yên nghỉ nằm sát bìa bên trái khu nghĩa địa của chùa Quảng Bình. Ngôi mộ như một mảnh vườn nhỏ yên tĩnh đầy màu xanh tươi mát, nằm yên dưới lùm cây. Khoảnh đất nhỏ chỉ có bãi cỏ và phiến đá. „Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời …“

Tấm mộ bia là một phiến đá sù sì, được khắc chạm nổi khuôn mặt và chữ ký nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đúng là cốt cách cao đẹp khác thường của Trịnh Công Sơn. Nghe nói người ta từng dự định chôn anh ở một nghĩa trang to lớn khác của thành phố, nơi có nhiều vị tai to mặt lớn, nhưng người nhạc sĩ đã khéo léo từ chối và muốn về Chùa Quảng Bình, muốn nằm kế bên mộ mẹ. 

Ngôi mộ không có nấm mồ, chỉ có phiến đá và mảng cỏ xanh bằng phẳng

 

Nhắc đến tình cảm của hai mẹ con anh Trịnh Công Sơn ai cũng phải kính trọng một mối tình mẹ con quá đẹp của họ. Người mẹ Việt Nam nghiêm khắc nhưng rất cởi mở trong việc giáo dục con cái, xem con như một người bạn. Anh Sơn từng viết:

"Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng ở tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hy sinh cả tính mạng. Đó là mẹ tôi. Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi thứ ân sủng quí giá nhất. Đó là mẹ tôi. Nếu có ai đó bảo với tôi rằng: xem con mình vừa là mục địch đầu tiên vừa là mục đích cuối cùng của một đời mình thì tôi tin chắc rằng người đó không ai khác hơn là mẹ tôi.“

Đó là những điều anh Sơn từng viết về mẹ mình khi mẹ mất vào năm 1991. 

 

 

Phần mộ cụ bà Lê Thị Quỳnh, pháp danh Nguyên Hoa ở nghĩa trang chùa Quảng Bình, Gò Dưa. Kế bên (phía sau) là nơi yên nghỉ của con trai Trịnh Công Sơn

Thủ bút Trịnh Công Sơn ghi phía sau bia mộ Mẹ

Một người em gái vốn rất thầm lặng của anh Sơn, chị Trịnh Hoàng Diệu, người hiện vẫn ở tại ngôi nhà ở đường Duy Tân kể về mẹ (tiếng Huế gọi là mạ) rằng:

Tám người con không chỉ yêu mạ, mà còn mê mạ, đội mạ trên đầu. Mạ dạy con không bao giờ lớn tiếng, cũng không nói suông. Nếu có ai phạm lỗi mạ thường chỉ nói riêng người đó, giải thích rất cặn kẽ, chi tiết, triết lý sâu sắc, có khi chỉ bằng một bài thơ, nên thấm vô mình rất sâu. Mạ luôn dặn dò cái gì cũng không bằng cái phước, khi mình làm phước, bàn tay phải làm, bàn tay trái không biết, như vậy mới có ý nghĩa.

Bà cụ còn trao truyền một hành trang đạo lý cho các con, cũng theo lời kể của chị Diệu:

Ngay từ nhỏ, mạ đã dẫn các con đi chùa. Nghe tụng kinh riết tôi mê, đòi mạ cho đi tu. Có những buổi trưa trốn mạ đến chùa nghe tụng kinh, rồi ngủ thiếp đi ở bậc tam cấp cửa chùa… Lớn lên, lại nghe mạ và anh Sơn tụng kinh mỗi ngày như hát vậy… những lời kinh kệ đã thấm vào mình lúc nào không biết nữa.

Tôi cứ đứng lặng yên mãi hồi lâu trên mảnh đất ấy, bên khung trời kia. Lòng thấy nhiều cảm phục chứ không buồn như những lần đi thăm mộ. Hôm ấy đang trưa đứng bóng, bốn bề yên tĩnh, chỉ nghe tiếng ve kêu vang như một khúc nhạc. Đây không phải là một ngôi mộ, chỉ là nơi yên nghỉ cho một kiếp người. Thảm cỏ tươi, vòm cây xanh ở góc vườn Chùa. Thật đặc biệt và đúng như cung cách Trịnh Công Sơn ngày anh còn trên dương thế. Ngủ dưới vòm cây.

Xin ngủ trong vòng nôi,

Ta ru ta ngậm ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây...

Vòng nôi ấy, bên cạnh mộ mẹ của anh, cụ bà Lê Thị Quỳnh, một người mẹ Việt Nam giàu nghị lực: chồng mất sớm, tảo tần nuôi dạy tám đứa con làm người.

 

[ Năm ]

Xin hãy trân quý một nhân cách lớn của Việt Nam.

Hãy làm một nghĩa cử đẹp, không chỉ cho hôm nay mà còn cho nhiều thế hệ mai sau.

 Từ nhiều năm qua, mỗi dịp ngày giỗ hay sinh nhật của anh Sơn, có biết bao nhiêu người mang hoa, mang nhang đèn tới viếng nhà anh, viếng mộ anh. Họ đi từ những tỉnh thành khác, từ rất xa đến. Họ đi từ Hà Nội, từ Huế, từ Cà Mau…, dễ chừng có đến cả ngàn người. Họ thức trắng đêm bên khu mộ và ôm đàn hát cho anh nghe. Chưa hề có một nhạc sĩ Việt Nam nào được người Việt Nam biết và thương nhớ đến như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chưa từng có một nhạc sĩ nào viết nhạc mà mọi tầng lớp dân chúng, từ hạng dân giã đến quyền quý, từ những em bé bụi đời lang thang cho đến những tu sĩ ẩn mình trong tu viện… ai cũng thích hát, ai cũng thích nghe. Người ta chép nhạc anh tặng nhau để ghi dấu một cuộc tình, người ta cố gắng dịch nhạc anh ra tiếng nước ngoài để khoe với bạn, người ta nghiên cứu nhạc anh để viết thành luận án tiến sĩ…

Quần chúng đã vinh danh người nhạc sĩ tài hoa ấy như vậy. Quần chúng cũng đã xếp loại đặt tên cho những tác phẩm của anh là một thể loại: thể loại nhạc Trịnh kế bên những thể loại nhạc khác như nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc sến, nhạc quê hương, nhạc trữ tình v.v… Thử hỏi trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có ai đã có được vinh dự đó?

Tại sao bây giờ ta không cùng nhau đề nghị đặt tên đường Duy Tân cũ (nhà của anh, bây giờ gọi là đường Phạm Ngọc Thạch) là đường Trịnh Công Sơn. Tên của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã được đặt trang trọng cho tên trường Đại Học Y Khoa ở Sài Gòn. Tôi chắc chắn rằng, nếu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn sống ông ta cũng sẽ đồng tình như thế. Xin được đề nghị.

Ai là những thân hữu của anh Sơn, ai là những người mến mộ tài năng của anh Sơn, ai là những người trân quý nhân cách của anh Sơn, xin hãy giúp góp ý với những người có thẩm quyền ghi tên anh giữa lòng phố Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn, nơi anh đã từng ôm đàn hát suốt đêm, nơi anh sống như những chàng hippie ở những ngôi chòi trong khuôn viên Đại học Văn Khoa…, và cũng là nơi cưu mang và ôm ấp anh cho đến những ngày cuối đời.

Tôi biết chắc, anh Sơn không cần điều đó. Anh chỉ muốn để gió cuốn đi thôi. Nhưng chúng ta cần, bây giờ và những thế hệ sau. Chúng ta cần ghi lại một dấu vết đẹp và êm ả trên mặt đất nơi chúng ta đang sống, dấu vết chim di. Làm sao em nhớ những vết chim di.

Cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành huyền thoại. Cái tên Trịnh Công Sơn đã đi vào huyền thoại của âm nhạc Việt Nam. Nhưng chúng ta làm thế để làm gì?

Để nhớ, để nghĩ, để hoài niệm về một con người, người nhạc sĩ tài hoa mang tên Trịnh Công Sơn. Và làm thế cũng chỉ để cho bạn, cho tôi và cho thế hệ những người yêu nhau sau này còn có thể nghe nhạc Trịnh Công Sơn bằng chính tiếng lòng thánh thót của mình. Cho những con người có trái tim biết yêu người, yêu đời. Đó là một nghĩa cử đẹp!

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

 

 

 

 

Nhân một ngày giỗ của anh Sơn tôi viết ra những cảm niệm của mình về người nhạc sĩ tôi vẫn hằng yêu mến và kính trọng. Sau đó lên mạng thấy có quá nhiều người viết nên tôi mải mê đọc và để dở dang bài viết trong máy tính gần cả năm nay. Bất ngờ liên lạc với một người anh tinh thần là anh Nguyễn Hiền Đức, chúng tôi trao đổi một ít kỷ niệm cũ và chuyện văn chương. Anh Hiền gởi cho một sưu tập „đáng ngại“ và rất công phu của anh, cả trăm trang viết về anh Trịnh Công Sơn. Sưu tập có tên: Trịnh Công Sơn – niên biểu tiểu sử. Rồi lại gởi cho một tài liệu vô cùng giá trị khác, đó là bài trích trong sách Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối. Do vậy tôi hứng chí viết cho xong những ý nghĩ tản mạn không đầu đuôi này của mình về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài viết này trước là để nhớ anh Trịnh Công Sơn, đồng thời cũng để tri ân anh Nguyễn Hiền Đức, người anh đã hướng dẫn tôi - một chú học trò nghèo nhà quê - rất nhiều trong những chặng đường sách vở mấy mươi năm trước. May mắn cho tôi có những người anh như thế. Xin chắp tay tạ ơn đời!

Đức Quốc – Nguyên Đạo VCT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xin cùng lắng lòng nghe nhạc sĩ hát và xem những hình ảnh cũng như những tranh vẽ của chính anh

 

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=GrEluvwjhHk

 

 

>> quay lại <<

 

Joomla templates by a4joomla