13.png15.png14.png11.png17.png08.png04.png12.png06.png07.png19.png10.png02.png18.png01.png05.png03.png16.png09.png

Giọt Lệ Thiên Thu

 Huỳnh Ngọc Nga

Riêng tặng Thanh Xuân, Dân
và Chị Khánh Ly

Mùa xuân năm 71, trời Saigon những ngày sau Tết nóng nghiệt ngã, cái nóng được nung bởi những cơn nắng chói chang, rực rỡ đầu mùa. Tôi đã nhìn thấy chị lần đầu trong màu nắng chói đó, màu nắng thủy tinh trong dòng nhạc TCS mà chị vẫn thường hát và tôi vẫn thường lắng nghe với sự hâm mộ cả người viết lẫn người ca.

Trước năm 75, con đường Nguyễn công Trứ dường như là nơi tập trung của các nhà băng, các hãng bảo hiểm. Hoàn Cầu Bảo Hiểm Cty, nơi tôi làm việc cũng tọa lạc trên đoạn đường đó, ở số 97. Công ty phát triển khá tốt đẹp nên Ban Giám đốc quyết định mở rộng cơ sở bằng cách mua thêm các ngôi nhà tiếp cận để dựng nên một mặt tiền đồ sộ hơn. Trong thời gian đó, văn phòng được tạm dời qua một căn phố nhỏ cạnh đấy. Ban đánh máy chúng tôi đặt trên tầng gác xép nhìn xuống mặt đường, ngay tiền diện là bàn làm việc của Giám đốc và xếp Trưởng phòng dịch vụ Hàng Hải.

 

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly những năm 70

Công việc tồn đọng trong những ngày nghỉ Tết khiến chúng tôi không còn thì giờ để kể chuyện ba ngày xuân đã qua.Bên ngoài thỉnh thoảng vẫn còn vài tiếng pháo đì đùng nổ.  Bỗng Loan, chị  đồng nghiệp của tôi ngừng tay và kêu tôi :

 - Nhìn kia, phải Khánh Ly không?

Tôi giật thót người, tay rời khỏi bàn máy chữ, nhìn xuống tầng dưới. Tính tò mò của phụ nữ, cùng lòng hâm mộ một cái tên, một nhân vật, đã biến tôi thành trẻ con một cách buồn cười, tôi rối rít :

 - Đâu, Khánh Ly đâu ?

Và ngắm nhìn chăm chú hơn phía trước cửa Cty, tôi hoan hỉ gật gù bảo bạn :

- Đúng rồi, Khánh Ly chứ ai, xem kìa, “nàng”y chang như trên TV.

Thật sự, ngày hôm đó chị giản dị hơn những lúc tôi thấy chị trên màn hình nhỏ trong các chương trình ca nhạc. Có lẽ chị đến đã lâu rồi mà chúng tôi không biết và chắc hẳn chị đang sửa soạn từ giã ra về nên  đứng ngoài cửa nói chuyện với ông Nguyễn Phát Tài, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty.  Nắng buổi sáng từng cơn óng ả,  chói lọi phủ ngập dáng dấp dịu dàng của chị. Tôi ngẩn người nhìn “Nữ hoàng chân đất”đang hiện diện trước mặt tôi. Saigon vào những năm 70, các cô, các bà đua nhau diện quần ống loa, áo tunique, jupe dài, jupe ngắn nhan nhản khắp  thành phố.  Vậy mà chị ở  đây, rất thật và rất gần trước mắt tôi, áo dài tơ trắng nội hóa đơn sơ, tóc thề buông xõa nửa lưng, một chút hồng trên má, một chút thắm trên môi, nhẹ nhàng ý tứ như cô dâu trước ông bố chồng khó tính. Không biết chị nói chuyện gì với ông Giám đốc của tôi, chỉ thấy thỉnh thoảng chị mím môi cười vui, mắt long lanh sáng và khoảng mười lăm phút sau chị từ giã ra về, để lại trong tôi hình bóng một  cô gái Việt Nam da vàng đúng nghĩa.

Ngày ấy tôi chưa biết gì nhiều về chị, chỉ biết chị là người hát nhạc Trịnh công Sơn hay nhất và tôi lại là tín đồ của những bài nhạc hiền hòa mà ông đã viết bằng tất cả tâm hồn. Đọc báo, nghe bạn bè thỉnh thoảng chuyện vãn ở bàn ăn, quán cóc tôi chỉ lõm bõm biết đại khái rằng “Khánh Ly vào khu hát cho Cộng Sản”, “Khánh Ly, nữ hoàng chân đất, chuyên hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn”. Tôi tuy yêu nhạc nhưng ít để ý đến đời tư các nghệ sĩ. Mỗi người có một đời sống cá nhân riêng, tại sao ta phải chúi mũi vào để bình phẩm khen chê? Với tôi, quan trọng là người hát phải diễn tả được ý tứ bài nhạc, giọng hát phải đủ sức lôi cuốn người nghe.

Chị hát nhạc TCS hay hơn nhạc của bất kỳ nhạc sĩ nào khác và ngược lại cũng chẳng có ca sĩ nào diễn tả được như chị đúng tầm mức âm điệu, ý tứ nhạc của ông, loại nhạc mà tôi đã cố tìm hiểu để biết tại sao một số người lại gọi là “phản chiến” với giọng điệu mỉa mai. Nếu ca ngợi hòa bình, chán ghét chiến tranh, đợi chờ ngày quê hương thống nhất là “phản chiến” thì thú thật tôi thấy chẳng có gì đáng chỉ trích cả, vì người dân bình thường có ai chẳng mơ những điều tốt đẹp ấy đâu.  Chẳng lẽ để được lòng một số người “ham chiến đấu”ông phải viết những bài ca sụt sôi thù hận,  chém giết quân thù? Nhưng quân thù nào, nếu không là những người anh em ruột thịt chung cùng một Tổ quốc Việt Nam?  Sao không nhìn thấy  chiếc mặt nạ giả nhân, giả nghĩa của những cường quốc đầu sỏ đang đứng sau lưng các nhà lãnh đạo của hai miền Nam Bắc để lợi dụng sự tranh chấp mù quáng một cách đáng tội nghiệp của họ, đưa bom đạn ngoại bang về giết hại đồng bào vô tội, phá hủy đất nước xinh đẹp của chúng ta?  Người dân hai miền đâu phải không thấy những điều đó, và nhạc của ông theo thời gian mà thấm vào lòng “thiên hạ bốn phương”, bởi đấy mới đúng thật là “chính nghĩa”, thứ “chính nghĩa” viết bằng tình người với thương yêu, xây dựng, kết đoàn chứ không là loại “chính nghĩa” làm nên bằng tính toán của hận thù, hủy hoại, rẽ chia.

Tên tuổi chị và Trịnh công Sơn gắn liền như hình với bóng, cùng đưa nhau đến tuyệt  đỉnh vinh quang. Nếu nhạc Phạm Duy thành công phần lớn nhờ tiếng hát Thái Thanh thì nhạc TCS cũng bay bổng bốn phương bằng gịong ca của chị. Hội chợ quốc tế OSAKA năm 1970  đánh dấu sự xâm lăng nhạc Việt vào đất đai của Thái Dương Thần Nữ.  Nơi đó chị đã mang Diễm Xưa huyền hoặc của ông làm niềm tự hào cho âm nhạc Việt. Và cũng từ  đây, chị là một trong những ca sĩ ngoại quốc được dân Nhật mến mộ nhất. Bởi thế,  tôi không ngạc nhiên lắm khi được biết xứ sở Phù Tang đã bình chọn chị là 1 trong 100 ca sĩ hay nhất của thế kỷ 20. Ngoài âm nhạc, tôi không biết được gì sự liên quan tình cảm giữa chị và ông, vả lại tôi cũng không thích tìm hiểu để làm gì.

Cho đến ngày 30.4.75, Saigon nhốn nháo,  tin tức đầu tiên về các nghệ sĩ lên tàu ra đi có tên chị trong đó, chị  đi nhưng ông ở lại. Những ngày đó tôi thấy ông trên TV và Nối Vòng Tay Lớn của ông được hát khắp nơi mừng ngày Việt Nam thống nhất. Danh từ “phản động” được những người ra đi chính thức đặt để cho ông từ đấy. Nhớ đến tà áo trắng của chị trước cửa Công ty, tôi thoáng buồn vu vơ: “Họ không là gì của nhau hết nên ‘nàng’ bỏ ‘chàng’ ra đi dễ dàng như vậy.” Chỉ thế thôi về đôi tài danh đó, tôi không còn nghĩ gì đến họ nữa, cuộc sống sau 75 với quá nhiều nhiêu khê của buổi giao thời làm tôi không còn đủ thì giờ nhớ chuyện “người dưng”.  Hoàn Cầu Bảo Hiểm Cty đóng cửa, nhờ sự  giúp đỡ của ông Tài, ông Giám đốc tốt bụng cũ của tôi, tôi vào làm tại Cty Đại Dương, sau đổi thành Cty Xây Lắp Công Nghiệp, rồi được chuyển qua Rameico, tất cả đều duới sự  điều hành của ông Nguyễn văn Đức, chồng cũ của «cải lương chi bảo» Bạch Tuyết. Ông Đức ngoài cương vị một doanh nhân còn mang nhiều tính nghệ sĩ, văn phòng làm việc của ông luôn tấp nập nghệ sĩ ra vào. Thanh Lan, Thái Thanh, Duy Cường, Duy Minh trước khi rời Việt Nam đều có tên trong danh sách nhân viên của ông. Hương Lan, Chí Tâm, Hùng Cường là khách dường như  thường xuyên của Công ty trong những chiều tan sở.

Trong những tháng cuối cùng còn làm việc tại Rameico, trụ sở số 8 đường Nguyễn Huệ, tôi thường thấy Trịnh công Sơn thỉnh thoảng ghé qua văn phòng ông Đức. Bạn bè tôi kể, ông đến bằng xe đạp giản dị như mọi người, không tiền hô hậu ủng, không xe pháo xênh xang như đa số các cán bộ cao cấp khác bấy giờ. Nếu thật sự viết nhạc để cầu danh trên đường chính trị, mọi người làm sao thấy được một TCS đơn sơ như vậy?  Những ngày đó, lắm khi ông Đức bận họp hay có khách, ông ngồi ngoài phòng làm việc của chúng tôi nơi ghế salon chờ đợi. Các cô bạn tôi, tiếp viên của Công ty, thấy vẻ hiền lành của ông, thường tìm cách “phỏng vấn” ông những câu hỏi tò mò vô tội vạ.  Ông từ tốn, vui vẻ trả lời hết những gì các cô bạn tôi thắc mắc. Từ bàn máy chữ xa xa nhìn lại, tôi không thấy được nét gì “phản động”  trên gương mặt ông cả. Ông không có vẻ Cộng sản, cũng chẳng có nét “Ngụy tư bản” chút nào hết. Phong thái đó, con người đó với những bài nhạc tuyệt vời tôi yêu thích làm sao có thể là một người làm chính trị được? Ông có dáng vẻ một thư sinh, một nhân sĩ, loại trí thức phi chính phủ, phi đảng phái thì đúng hơn. Các cô bạn tôi kể, có lần họ hỏi sao ông chẳng ra đi, ông chỉ mỉm cười bảo “người Việt phải ở trên đất Việt chứ, đi đâu cũng không bằng quê hương mình cả.”

 Khách của Công ty tôi luôn được tiếp đãi ân cần  bằng nước trà hoặc rượu bia ngoại nhập, tùy ý thích mỗi người. Cũng chính các cô bạn tôi cho tôi biết tửu lượng ông khá cao, ông uống nhiều dù biết rằng đó là độc dược đang tiêu hủy dần vóc dáng mảnh dẻ của ông. Rượu đưa  ông tìm ý nhạc hay rượu giúp ông quên bao phiền toái của cuộc đời, quên cả giọng hát đã đưa nhạc ông thấm ngập lòng người?  Những năm sắp sửa rời VN, tôi thật bâng khuâng khi nghe  “Em ra đi nơi nầy vẫn thế”  và  “Bao giờ gặp lại em”  có một cái gì đó trong ý nhạc dường như trách móc nhẹ nhàng người đã bỏ ông đi, cũng như trong những bài nhạc khác ẩn chứa đâu đây niềm hy vọng chờ trông một người trở lại.  Người đó là ai, nếu không là chị, là Khánh Ly của những tháng năm dài gắn bó tuổi tên bên cạnh đời ông. Và cũng từ những bài nhạc đó tôi biết được giữa kẻ ở và người đi còn một chữ tình vương vấn. Phần lớn những tác phẩm ông cho ra đời sau năm 75 đều chứa đầy ắp hình ảnh chị qua từng câu, từng lời mà sau nầy khi đến Ý nghe chị hát tôi cứ ngỡ như tiếng nấc nghẹn ngào của chị, của ông, của những kẻ có duyên không nợ, một đời yêu nhau, một đời phụ nhau. Những bài nhạc nầy, ông không đề tên chị làm tựa bao giờ, hình như ông cố tình cất giấu cái tên thân yêu đó cho chỉ riêng ông thầm gọi mà thôi, nhưng khi lời nhạc được cất lên thì dù vô tình đến mấy, bất cứ người nghe nào nếu hiểu chuyện cũng đều thấy chị hiện diện rõ nét như một hình thức thách đố với những cách ngăn.

Giòng đời thấm thoát trôi, tôi rời VN vào năm 83, ra đi dù lòng không muốn, ra đi vì gia đình không còn ai ở lại. Với tôi, chính thể nào thì cũng vậy thôi, lúc nào cũng có kẻ tốt người xấu, hay dở hòa lẫn nhau. Là người dân bình thường,  tôi ít bị ảnh hưởng đến những đổi thay chính trị,   chung quanh sống được thì tôi cũng sống được, có sao đâu. Tôi không ghét chánh phủ Miền Nam ngày trước, cũng chẳng thù hận gì chánh phủ Miền Bắc hôm nay. Máu xương những người dân vô tội của hai miền đã đổ nhiều rồi, giờ  đất nước nối liền một dải, Bắc hay Nam chiến thắng thì cũng người Việt làm chủ quê hương nầy. Tôi có bà con đi tập kết từ lâu  trở về, tôi cũng có người thân bị vào trại cải tạo lao khổ bao năm, chiến tranh mà, tránh sao được nhũng thanh trừng ngày chung cuộc. Điều  quan trọng là chúng ta cùng biết quên đi những đổ vỡ hôm qua để xây dựng lại cho hôm nay và ngày mai. Những bài học lịch sử đã cho tôi thấy càng phân biệt, chia rẽ càng tự đày ải quê hương đất nước vào đường khổ sở, lầm than.  Tôi thật lòng cám ơn chính phủ Miền Nam đã cho tôi một thời ấu thơ bình an, hạnh phúc. Tôi cảm phục sự anh dũng của bộ đội chính phủ Miền Bắc sau 75 đã đẩy lui bọn khát máu Pol Pot cứu nguy cho đồng bào vùng biên giới Việt Miên cũng như chính họ đã giữ vững biên cương cõi Bắc khi chống lại kẻ thù truyền kiếp Trung quốc vào năm 79.

Nhiều lúc tôi tự nghĩ, nếu như miền Nam thắng thì sao? Chắc cũng có những cuộc tẩy chay thanh trừng, và hẳn cũng khó lòng tránh khỏi những trại tập trung giảng huấn?  Miền Bắc có nhà ngục Hỏa Lò khét tiếng, thì miền Nam cũng đâu thua kém gì với những trại giam làm nổi danh Côn Đảo. Đã quá nhiều rồi những nghĩa trang chiến sĩ hai miền, Bắc hay Nam gì ta cũng giòng máu Việt, sao để ngoại bang lợi dụng danh nghĩa nầy, tôn giáo kia, chính thể nọ mà tương tàn, thù hận lẫn nhau?  Không bằng lòng thì cứ ra đi, chỉ xin đừng bắt chước Lê chiêu Thống,  Mạc đăng Dung, vì nhớ chút lợi quyền xưa cũ mà để ngoại nhân lợi dụng làm con cờ quấy rối đất nước quê hưong,  trả mối nhục ngày cuốn cờ đào tẩu. Kẻ chiến thắng ở lại xin hãy lấy cái tâm nhân từ của Nguyễn Trãi để thương dân, lấy cái trí anh minh của Quang Trung mà trị nước, chứ đừng như Gia Long nhỏ nhen tị hiềm, phân biệt, nghi ngại đồng bào ruột thịt đã một thời đứng bên kia bờ chiến tuyến mà hủy diệt bao nhân tài vô tội. Bằng những suy tư hoài vọng đó, tôi càng thấy thấm thía từng lời nhạc của TCS hơn, những bản nhạc nói về quê hương, về tình người, về những xấu xa của một cuộc chiến tương tàn huynh đệ và ước mong thấy đoàn tàu xuyên Việt nối liền trái tim những đứa con chung cội, chung nguồn.

Trong những năm đầu nơi xứ người, đọc các tờ báo Việt tại hải ngọai tình cờ tôi thấy một bài chị viết về ông,  trong đó chị nhắc lại những kỷ niệm thân yêu của một thời bên nhau, nhắc đến lời khuyên của ông đã ân cần nhắn nhủ “ Sống ở đời cần phải có một tấm lòng, dù là chỉ để cho gió cuốn bay đi” và cuối cùng là những lời cam chịu của chị  “sông chảy đời sông, suối trôi đời suối”. Tôi đọc mà nghe lòng buồn man mác dù tôi chẳng là một nhánh nào của suối hay sông, dù tôi chỉ là khách vãng lai nhìn dòng luân lưu của nước từ nguồn tuôn đổ mà thôi. Ông là nguồn suối cao vời vợi, chị là  sông dài  thăm thẳm  mang những dòng nhạc như nước mênh mông tràn tuôn ra biển, và biển là chúng ta, những kẻ đã, đang nhận và lắng nghe âm thanh của nước. Từ trong thâm tâm, tôi vẫn thấy suối và sông muôn đời cần nương nhau để đem nước nguồn rải tưới khắp nơi.

Càng xa quê hương, tôi càng thiết tha nhiều hơn với nhạc Việt, nhất là nhạc của ông qua giọng hát của chị. Vui, buồn, mưa, nắng gì tiếng ca của chị vẫn luôn vang lên trong căn nhà nhỏ của tôi như một tri âm, cùng tôi chia sẻ nỗi niềm của kẻ tha hương. Những băng nhạc video có hình ảnh chị được tôi coi đi coi lại không biết chán. Giữa một thành phố châu Âu như Torino, tôi tìm đâu ra  một dáng vẻ thanh thoát như chị để gợi nhớ đến “người con gái Việt Nam da vàng” của thuở nào, cho dù sự tìm kiếm đó chỉ thu gọn trên màn ảnh nhỏ. Các cô ca sĩ khác  đa số cũng đôi khi mặc áo dài, nhưng hình như “chất” Việt Nam không còn  trên nhân dáng các cô nữa, phấn son đậm nét, tóc tai kiểu cọ, tất cả đã biến các cô thành những manequin hơn là những người nữ dịu dàng thanh thoát.  Nhưng chị, người đã hát Tình khúc Da Vàng, qua  bao nhiêu  băng video sản xuất từ những năm sau 75 đến giờ, thời điểm của một thiên niên kỷ mới, chị vẫn thế,  giản dị, đoan trang với áo dài đằm thắm, với tóc dài buông xõa mượt mà cho dù phải xuất hiện trong các chương trình dạ vũ với những bản tango lả lướt  thích hợp với y phục tây phương hơn. Thời gian có thể làm chị không còn nét tươi trẻ như ngày xưa, nhưng không ai thay đổi được nhân dáng, tư  cách của “Nữ hoàng chân đất” năm nào.

Sau ngày chị ra đi, ông vẫn tiếp tục sáng tác, và dĩ nhiên ông cần có một giọng ca của ai đó hầu choán lấp khoảng trống chị đã để lại sau lưng. Các ca sĩ cũ còn lại đều có môi trường nhạc dành riêng của họ, các ca sĩ mới làm sao gánh vác nổi trọn vẹn ý tứ nhũng bài nhạc bất tử của ông. Và rồi đóa Hồng Nhung xuất hiện trong thập niên 90, trẻ, đẹp và tương đối có khả năng ca hát. Cô hát lại những tác phẩm một thời chị đã hát, cô hát tiếp những những bài nhạc chưa từng bay qua biển để đến với chị. Ông khen trước mọi người cô diễn tả truyền thần những gì ông viết, ông sáng tác những bài nhạc chỉ riêng để tặng cô, mang tên cô trong tựa nhạc, mang tình ông trong lời ca. Nghe bạn bè kể, đọc báo chí trong nước được chuyền tay, tôi không ngạc nhiên chút nào cả. Ông là nghệ sĩ, týp nghệ sĩ tài hoa. Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng càng tài hoa càng đa tình, đa cảm.  Tác phẩm của ông ít nhiều thường ẩn hiện bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu hoài vọng về những bông hồng đã một thời làm ông say đắm, những đắm say chân thật được lưu lại trên nét nhạc dịu dàng, chứ không phải như hương phấn sớm nhạt nhòa, điều quan trọng là ông vẫn không quên những đoạn đường đã đi qua, và chị, chị biết rõ  điều đó hơn ai hết. Dù gì chị cũng đã dứt áo ra đi, giờ thì đúng là  “sông chảy đời sông, suối tuôn đời suối”, mỗi kẻ một nơi, trói buộc nhau chi, có ích lợi gì đâu.

Tôi đã nghe chị hát gần 40 năm nay,  giờ nghe thêm giọng ca  của “người đến sau” để thử xem kẻ “hậu sinh” có làm sáng danh ông như “bậc tiền bối”  ngày nào hay không?  Một người bạn về VN đã đem qua cho tôi một CD của Hồng Nhung với những bài nhạc chị đã hát một thời. Nghe xong tôi bỗng tự dưng nhớ đến những trận bóng đá có hai danh thủ đều đoạt giải Quả Bóng Vàng cùng tham dự, Roberto Baggio của Ý và Ronaldo của Brasil. Bóng đá được coi gần như tôn giáo của Ý, nhận nơi đây làm quê hương thứ hai nên tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều đến môn thể thao nầy. Tôi mến mộ tài năng của Baggio nhiều hơn, vì cũng một quả bóng, nhưng Baggio dẫn banh đi trong lúc Ronaldo chạy theo quả bóng, cũng những cú sút, nhưng cú sút của Baggio là sáng tạo, là nghệ thuật trong lúc cú sút của Ronaldo  chỉ nằm trong nguyên tắc,  kỹ thuật trên sân. Cũng một Đóa Hoa Vô Thường nhưng chị đưa nhạc và lời vào lòng thính khán giả, giọng chị vững chãi, tự tin, thanh thoát diễn tả ý tứ bài hát trong lúc Hồng Nhung chạy theo giòng nhạc,  giọng cô ẻo lả khiến người nghe để tâm trí hình dung đến người hát hơn là theo dõi điệu nhạc, lời ca. Tôi thật lòng không cố ý chê bai làm chạm tự ái Hồng Nhung, vì giọng hát do thiên phú chứ không phải hoàn toàn do cô tạo ra, nhưng lấy công tâm mà bình phẩm thì cô khó tìm được một chỗ đứng ngang hàng cùng chị. Có thể một số người thích “nhìn” cô hát với vẻ tươi trẻ của tuổi thanh xuân và “thấy” cô hát hay, nhưng với tôi, nhạc “để nghe chứ không để thấy”. Vì vậy, thưởng thức nhạc TCS tôi chọn giọng hát của chị, vì giọng hát  theo thời gian khó thể đổi thay, nhưng có nhan sắc nào không tàn phai theo năm tháng?

Trái tim chị đã khóc từ ngày xuống tàu dứt áo ra đi, hơn hai mươi lăm năm xa cách, thời gian không làm phai nhạt yêu thương ngày cũ, những giọt nước mắt vẫn tuôn âm thầm, lặng lẽ qua từng lời nhạc, từng điệu hát. Có một lần ông sang Mỹ thăm người thân, cuối cùng rồi thì dù “đường xa vạn dặm” họ đã gặp lại nhau, niềm vui hội ngộ không trấn áp được nỗi đau trong lòng khi chị nhìn những cơn bịnh đang mặc tình hoành hành thân xác người xưa, cảm giác chia lìa chợt đến dù chị đã cố gắng hy vọng vào những tiến bộ của y học hiện đại.

Ở các xứ Tây phương, ngày 1.4 là ngày mọi người tha hồ đùa nghịch bằng cách loan những tin thất thiệt, người Việt chúng ta bảo đó là ngày “thả vịt cồ”,  người ở đây bảo là ngày “thả cá”. Thế nhưng ngày 1.4 năm nay, bạn tôi từ trong nước lại không thả ra một chú vịt cồ nào khi gởi e-mail báo tin cho tôi biết ông đã qua đời sau những năm dài bịnh hoạn. Trong cơn bàng hoàng vì xúc động, không hiểu động lực nào thúc đẩy,  tôi đã gởi ngay một điện thư ngắn chia buồn cùng chị, dù biết rằng chị đang ở cách xa nửa vòng trái đất với người vừa nằm xuống, và dù biết rằng giữa chị và ông giờ đã có bao nhiêu bờ ngăn cách. Trong thâm tâm, tôi mường tượng niềm đau của chị, của một giòng sông vừa mất đi nguồn suối với những con nước đổ về. Và tôi biết, hơn bao giờ hết, chị đang cần một sự nâng đỡ tinh thần để không ngã quỵ trước biến cố quá ư khủng khiếp đó.

Thư gởi đi, tôi không dám nghĩ sẽ có được hồi âm, tôi với chị là hai kẻ không quen,  tôi viết không nhiều, chỉ vỏn vẹn vài lời chân thật chia buồn. Vậy mà chị đã trả lời cho tôi sau hơn một tháng được thư. Vắn tắt đôi ba hàng nhưng biểu lộ hết niềm đau của chị. Chị bảo càng đau đớn trước sự mất mát to lớn trong đời đó, chị lại càng không chấp nhận sự thật phũ phàng kia. Viết như vậy có nghĩa là với chị ông vẫn còn sống, ông không chết như người ta loan báo. Tôi đọc và hiểu chị như hiểu chính mình, vì với phụ nữ, sự bất tử, trường thọ chỉ có nơi người họ chọn để thương yêu. Tình yêu của chị dành cho ông là tình thiên thu, không cần biểu diễn quảng cáo, không cần quấn khăn trắng đi sau xe tang để chứng tỏ ân tình với người đã ra đi nhưng vẫn đủ để mọi người thấy những giọt lệ thủy chung chị khóc kẻ đã tạo cho chị nên người, thành danh. Chị cũng ta thán những người bạn của ông, những ngưòi thường nhân danh là bạn nhưng hình như chưa mấy ai có được một lời bênh vực ông trong những lúc ông bị những “đồng bào” nhưng không đồng tư tưởng  chẳng tiếc lời phỉ báng, bôi bẩn một cách bất công.

 Tôi gởi lá thư thứ hai động viên tinh thần của chị, khuyên chị sớm vượt thoát niềm đau để tiếp tục dùng tiếng hát làm sống mãi tình người, tình đất nước quê hương qua những tác phẩm của ông, cũng đừng bận tâm đến các bài báo vô tâm của của những người hạn hẹp, ích kỷ. Ganh tài, đố kỵ là thói thường của người đời. Cứ để họ múa may quay cuồng ngòi bút vấy bùn lên tên tuổi ông để mọi người Việt bình thường thấy rõ ràng hơn giữa cái thanh tao của ông và cái thô bạo của họ. Dù phê phán ông đúng hay sai tùy ý nghĩ mỗi người, ông cũng đã sống lẫy lừng và chết vinh quang. Những kẻ công kích ông làm sao họ có được cả rừng người đứng ngập các sân trường Đại học để lắng nghe và vỗ tay từng tràng dài bất tận tán thưởng những bản nhạc tâm thức của ông. Và ngày nào họ nằm xuống, chắc gì họ được cả thành phố tiễn đưa với rừng hoa phủ ngập, với nhạc và nước mắt tiếc thương chan hòa, được người dân từ Bắc chí Nam tôn vinh, tưởng nhớ. Không thể bảo chánh quyền trong nước tổ chức những việc đó làm rạng danh ông, vì chính ở hải ngoại, nơi mà mọi người trọn quyền tự do chống đối, giới hâm mộ ông, những kẻ thích sống đời thường, chán trò giả dối chính trị, ghét những màn vạch áo cho người xem lưng, một cái lưng  đầy dẫy những vết tích tương tàn huynh đệ, những người đó cũng đã tổ chức khắp nơi các buổi tưởng niệm ông, tưởng niệm một “giọt mưa đã tan giữa đời.” Nếu bảo lẽ phải, công lý luôn ở nơi sự phán xét của người dân thì cứ nhìn tình cảm mọi người dành cho ông mà chị nên tội nghiệp và tha thứ cho những kẻ đã và đang phỉ báng tuổi tên ông, buồn giận làm chi cho thêm nhọc lòng của chị, chị không thấy họ đang vô tình quảng cáo nhạc của ông với những thế hệ đến sau chúng ta ư ? Ngoài sự tội nghiệp và tha thứ, chị cũng nên cám ơn họ nữa mới đúng.

Thư gởi đi lần nầy tôi phải đợi hồi âm lâu hơn lần trước, đến độ tôi ngỡ rằng chị đã để thư tôi “cho gió cuốn bay đi” mất rồi. Giữa lúc tôi không chờ tin chị nữa thì thật bất ngờ thư chị đến.  Và tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy chị thân tình coi tôi như một đứa em, một người bạn mà tâm sự thật lòng :


Ngọc Nga thân yêu,

Tiếc là chị không thể trả lời em sớm hơn được. Từ sau hôm đó, chị bịnh hoài. Suy nhược thần kinh hay kiệt sức gì đó. Chẳng đủ sức trả lời cho ai cả, để em mong thật là lỗi lầm. Đến với nhau là có duyên hoa, nợ nhau từ kiếp trước, rồi xa nhau cũng thế mà thôi. Từ những điều nầy, em có thể suy ra được không? Nhớ là tấm lòng chung thủy trước sau như một, chị sẽ là bóng theo ông đến ngàn năm.

Nga ơi, đừng để ý đến chính trị làm gì, chẳng đáng cho mình bận tâm đâu. Thế giới mỗi ngày có bao nhiêu người chết mà không kịp hiểu tại sao mình chết. Cứ để cho họ giết nhau, khi nào mệt, họ sẽ ngừng ...


Chị nói đúng, thế giới nầy mỗi ngày có hàng vạn người vĩnh viễn ra đi một cách oan khiên vậy mà con người vẫn tiếp tục nuôi dưỡng hận thù, chém giết lẫn nhau, bằng cách nầy hay cách khác. Nhưng nếu nghĩ  khi nào mệt họ sẽ ngừng thì chị đã lầm rồi,  con người là một động vật tàn ác nhất trong tất cả muôn loài và không bao giờ biết dừng lại nếu chưa đạt đến kết quả. Con thú giết nhau khi đói chỉ để tranh ăn, con người sẵn sàng giết hại nhau dưới đủ mọi hình thức – thể chất hay tinh thần – ngay khi cả lúc đang sống phủ phê đầy đủ. Chỉ có người dân thường như tôi, như chị, những kẻ chán ghét trò  chơi chính trị mới nghe mệt mỏi đầu óc vì cứ phải bị giằng co, lôi kéo bởi các phe phái nghịch thù. Tuyên truyền bằng lời nói chưa đủ, thiên hạ đôi khi dùng cả những hành động thô bỉ của bạo lực như đập phá, hành hung, ngăn chận những gì mà họ cho là biểu hiệu sự đối lập với họ. Chị thấy đó, hơn một phần tư thế kỷ rồi, ngày nào Abele còn sống thì người anh  ruột thịt Caino vẫn chưa nghe mỏi mệt để tính chuyện giết em mình vì ganh tỵ lợi quyền (*), lịch sử nhân loại là bánh xe luôn tìm về điểm khởi đầu. Tôi không ngạc nhiên trước lòng sân hận của những người chống đối ông, nhưng mãi đến hôm nay tôi vẫn chưa hiểu vì sao chị lại ra đi khi tình yêu còn đầy ắp, lúc suối chưa cạn nguồn và sông vẫn mênh mông.

Những cánh thư giữa chị và tôi trở nên thân thiết hơn, tôi “thấy” chị rõ hơn ngày xưa dù chưa gặp lại chị bằng xương bằng thịt lần thứ hai. Cách nhau ngàn trùng sông nước tôi vẫn nghe tiếng chị thở dài buồn  chuyện thế nhân bằng những lời thư tâm sự :

Em thương mến,
... Chúng mình khổ là bởi tấm lòng quá yếu mềm, cứ luôn luôn nuối tiếc những vết thương ngọt ngào đến độ nhiều lúc quên đi hiện tại.Muốn sống, đôi khi chúng ta phải biết quên dù điều đó cũng làm chúng ta đau lòng như khi phải nhớ vậy.

Chị ở đây, hình như chẳng có được một ngày bình yên. Chị không hiểu vì sao con người đối với con người lại có thể tệ đến như vậy… Ông Trịnh đã đi xa thế mà người ta cứ mang ông ra lên án, sỉ nhục và dường như chưa cảm thấy đủ, họ lôi chị vào…kết tội chị hát nhạc ông, rồi kêu gọi mọi người tẩy chay chị…gọi những người hát nhạc ông là con bò, con bò Tuấn Ngọc, con bò Lệ Thu… Chị tưởng là chỉ có thú vật mới cắn xé, giết nhau, ai ngờ ở thế kỷ nầy vẫn còn có những con người độc ác như vậy.

Em có biết là chị buồn chỉ bởi chị thương ông Trịnh mà thôi, chứ riêng chị, tất cả mọi điều xảy ra trên đời nầy không còn quan trọng nữa. [...] Bây giờ chị cũng rất an phận, hết lòng với chồng con và hát…chỉ còn những ca khúc tuyệt vời ở lại trong lòng chị.
[...] Chúng ta hãy nương tựa vào nhau, bằng tấm lòng tin cậy để sống vững trong cuộc sống quá nhiều đau thương nầy ...


Những lời chị viết làm tôi lao đao suy nghĩ và trong phút chốc tôi chợt hiểu vì sao hơn mấy triệu người Việt ngày xưa cùng ra đi tỵ nạn Cộng Sản mà giờ đây thiên hạ đang tính chuyện quay về. Ngoài lòng hoài vọng quê hương, ngoài sự mở cửa đổi mới của chính quyền trong nước, động lực khác quan trọng không kém chính là sự chán nản tính hung hăng của các “đấng nhân sĩ lưu vong yêu nước” nhưng chẳng muốn thấy nước nhà yên ổn. 

Riêng với chị, chị thân mến, để đáp lại sự tin cậy chị dành cho em, xin thuật chị nghe một câu chuyện cổ tích mà em được nghe trong những ngày tuổi nhỏ. Chuyện kể có một bà Tiên, để thử lòng hai chị em một nhà kia nên giả dạng nghèo nàn đề ăn xin. Cô chị tốt bụng giúp đỡ bà lão nghèo nên được bà Tiên thưởng công bằng lời chúc lành “Mỗi lời cô nói sẽ có một đóa hoa thơm từ miệng cô bay ra theo.” Cô em đanh đá, cư xử độc ác nên bị Tiên chúc dữ “Vì tâm độc địa nên môi tiếng cô thốt thành lời sẽ có một con cóc hay rắn theo ra.” Từ đó nơi đâu có cô chị la có hoa hồng thơm ngát, nơi nào có cô em thì cóc, rắn tràn đầy. Dĩ nhiên, không ai dám gần người “nhả cóc, phun rắn” bao giờ, và vì thế theo thời gian cô em phải trốn vào rừng để tránh sự sợ hãi của loài người.

Từ chuyện cổ tích huyền hoặc nầy, em tin chị sẽ hiểu mà không bận tâm đến những danh từ cóc, rắn của những kẻ không được trời thương cho biết nói lời thanh tao, lịch lãm.Nên thương hại, tội nghiệp họ thì hơn. Vả lại, dù chị, Tuấn Ngọc hay Lệ Thu có bi họ coi như những con bò vì hát nhạc của ông thì chị tin đi, đó là những con bò thần được mọi người nể vì, kính trọng với những ca khúc tuyệt vời, lời lẽ thánh thiện hiền lương chứ không như những kẻ đội lốt người mà lời nói tanh hôi hơn cóc, rắn.

Không ai đoán được cuộc sống ngày mai của mình, nhưng chắc chắn sự bình an tâm hồn sẽ có với những người biết lấy chữ nhân, chữ hòa làm gốc. Kiếp nhân sinh nào cũng đầy dẫy sân, si, mấy ai tránh được những va chạm với đời.  Sự “Toàn Thiện” là ảo tưởng ở thế gian nầy khi mà “cái Tôi” của mỗi chúng ta lớn hơn ước vọng hòa bình, nhân ái.Cũng một vầng thái dương, nhưng thay đổi tùy nơi ta định vị.Vì những lẽ đó chiến tranh luôn ngự trị trên mặt đất nầy dù mọi nguời ai cũng lớn tiếng hô hào kêu gọi hòa bình.

Nếu chị là giòng sông, hãy noi gương chàng Tất Đạt (**), lắng nghe và chuyên chở mọi tiếng nói, mọi âm thanh.Xấu hay tốt, hài lòng hay bất mãn, tất cả đều là giòng luân chuyển của cuộc đời, là khúc sinh ca như Hermann Hesse đã từng nói và như TCS đã từng viết trong những nhạc phẩm thân thuộc  ngày nào, chị còn nhớ không ? “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này.” (***)

“Sống ở đời cần phải có một tấm lòng và phải cư xử với người bằng sự tử tế". Lời dặn dò đó của ông đã là một thành ngữ phổ biến khắp mọi nơi trong chúng ta, không ai có thể tìm được sự chỉ trích, phê phán xấu nào trong câu nói nầy cả. Nếu người trong, kẻ ngoài nước Việt chúng ta biết lấy tấm lòng để thương nhau, biết lấy sự tử tế để đãi ngộ nhau thì không anh Mỹ, anh Nga, anh Tàu nào dám dùng tiền bạc, khí giới để chia rẽ dân tộc ta. Nhưng ngày đó biết đến bao giờ, để Mẹ Việt Nam thôi khóc những giòng lệ tủi buồn vì sự tương tàn chia rẽ của những đứa con chung cùng một giòng máu Rồng Tiên?



HUỲNH NGỌC NGA
Torino - Italia,  23.8.2001

---
Chú thích :

 (*) Theo Thánh kinh Thiên chúa giáo thì Abele và Caino là con của Adamo và Eva. Caino là anh đã dùng gậy đánh chết Abele chỉ vì lòng ganh tỵ.

(**) Tất Đạt, nhân vật chính trong truyện CÂU CHUYỆN GIÒNG SÔNG của Hermann Hesse, thuật lại cuộc đời bôn ba của người đi tìm Chân, Thiện, Mỹ của cuộc đời.

(***) Một câu nói của Hermann Hesse trong Câu Chuyện Giòng sông.

 

 

>> quay lại <<

Joomla templates by a4joomla