17.png04.png11.png10.png07.png06.png19.png02.png08.png13.png18.png05.png12.png15.png16.png03.png14.png09.png01.png

Thiền Môn Pháp Kệ

 

Núi Hoàng Mai - Tu Viện Đông Thiền.
Buổi sáng sớm mùa đông năm ấy, chú tiểu vẫn quét dọn sân chùa như mọi hôm từ lúc tờ mờ sáng, khi những giọt sương mai vẫn còn đọng trên cành. Chú thanh thản đưa chổi đều tay gom gọn những chiếc lá rơi, miệng lẩm bẩm bài kệ: „Cần tảo già lam địa; Thời thời phước huệ sanh; Tuy vô tân khách chí; Diệc hữu Thánh nhân hành - Siêng quét đất già lam; Phước huệ thường thường sinh; Tuy không có khách lại; Cũng có thánh nhân qua“.

Vừa đọc đến đấy, chợt đưa mắt nhìn ngang chú thấy một người đàn ông dáng người nhỏ thó, nằm bẹp trước bậc cấp phía bên ngoài cổng tam quan. Cứ theo dáng điệu nằm co ro ấy, chú đoán người ấy chắc đã nằm từ khuya. Chú bước lại gần nhìn kỹ hơn, người ấy vẫn còn thở, đôi mắt nhắm nghiền, dáng điệu có vẻ rất mỏi mệt vì đói lạnh. Chú chạy ngay vào chùa tìm Thầy Tri khách. Thầy đang mặc y áo chuẩn bị thời tọa thiền buổi sáng.
- Bạch Thầy, may quá con vào kịp trước khi Thầy đi tham thiền.
- Có gì không chú?
- Bạch Thầy có một người khách lạ nằm trước cổng tam quan Chùa mình.
- Ấy chết, trời lạnh thế mà sao ngủ trước tam quan?
- Dạ, trời lạnh lắm. Con thấy ông ta nằm bẹp ở đấy nhưng chắc không phải ngủ.
- Con có xem người ấy còn sống không hay đã chết cóng mất rồi.
- Dạ, con có nhìn kỹ thì thấy ông ta còn thở, nhưng hơi khó khăn. Chắc ông ta mệt và đói lắm.
- Thôi hãy đưa ta mau mau đến xem, không khéo trễ quá người ta chết cóng mất.
Nói xong hai thầy trò cùng đi ra ngay chỗ cổng tam quan.
Chú tiểu nhìn thấy người khách lạ vẫn còn nằm yên ở đó, dáng nằm như chưa hề lay động. Chiếc áo chùm trên người khách lạ đã tả tơi và phong trần quá đỗi. Hai bàn chân bao bọc bởi một vật mà không biết phải gọi là dép hay giầy, phần bằng vải bọc rơm phần bằng da thú cũng đã xác xơ, ghi dấu bao nhiêu chặng đường khách đã bước qua.
Thầy Tri khách đưa tay đẩy chốt khóa mở vội cổng, bước đến gần lay nhẹ vào người khách lạ. Khách trở mình và mở mắt ra. Lạ thay trong tấm thân kiệt quệ ấy vẫn nhận ra được đôi mắt sáng quắc. Khách toan đứng dậy nhưng thầy tri khách đưa tay ra ngăn lại và hỏi:
- Chẳng hay khách đường xa đến đây có việc chi?
- Thưa thầy. Tôi lặn lội từ phương nam đến đây chỉ để muốn yết kiến Tổ và thưa ít việc.
- Có việc gì khách cứ nói cho tôi nghe để tôi vào trình với Hòa Thượng trước. Thầy tri khách trả lời. Vẻ mặt khắc khổ của khách bỗng trở nên nghiêm trang và đáp lại:
- Thưa Thầy, tôi vượt qua không biết bao nhiêu rừng núi sông ngòi quá ư gian khổ, cũng đã hơn một tháng qua, tưởng chừng có khi phải bỏ cả tánh mạng cũng chỉ vì có việc riêng muốn trình lên Tổ.
- Thôi để tôi vào xem Hòa Thượng đang làm gì và thưa trước. Ông hãy theo chú tiểu xuống bếp rửa ráy, rồi kiếm gì lót dạ trước đi.
- Dạ, xin đa tạ Đại Sư.


Lịch sử đã có lần như thế

Người khách lạ hôm ấy có tên là Năng, vừa quá tuổi hai mươi. Sau khi được chú tiểu mời dùng tạm chén cháo và tách trà nóng, chú Năng đã bắt đầu tỉnh táo và được thầy tri khách đưa vào diện kiến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Chú khoanh tay đứng yên lặng hầu sau lưng Tổ, cho đến khi Tổ lên tiếng:
- Xin hỏi khách là ai, từ đâu tới?
- Bạch Hòa Thượng, đệ tử là người Lĩnh Nam, vốn chỉ là một tên thường dân ở xứ Tân Châu, lặn lội đi suốt ngày đêm đến đây, dễ chừng đã trên ba mươi hôm.
- Vậy chú đến đây tìm ta có việc gì?
Năng cung kính trả lời:
- Đệ tử lặn lội từ phương xa đến bái lạy Hòa thượng, không để cầu vật gì khác, mà chỉ cầu học làm Phật thôi.
Tổ bỗng quay lại nhìn chú, vẫn giọng từ tốn hỏi tiếp:
- Chú là dân Lĩnh Nam, vốn là đồ mọi rợ, làm thế nào mà thành Phật cho được?
Năng nghe đến đó bèn thưa:
- Bạch Hòa Thượng, con người tuy có Nam Bắc, Phật tánh nào có Bắc Nam. Tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tánh thì đâu có gì là sai biệt.
Ngũ Tổ đang định nói gì thêm, song chợt nhìn thấy chung quanh có người, Ngài bèn thôi không nói nữa mà bảo đi theo chúng để làm việc. Lúc ấy có một hành giả dẫn chú Năng vào phòng giã gạo và từ ngày ấy chú đạp máy giã gạo ở đó suốt tám tháng trời.

Câu chuyện về Lục tổ Huệ Năng (638-713) được ghi lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh do chính Ngài tự thí pháp ở tại chùa Đại Phạm, Thiều Châu. Ngài có tên là Năng, chữ Huệ là do Ngũ Tổ đặt thêm vào cho sau này. Xin trích thêm đoạn Kinh phần tiếp theo để dễ theo dõi (trích theo bản dịch của Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác):

Một hôm, bỗng nhiên Ngũ Tổ cho gọi tất cả các môn nhân lên. Sau khi họ đã tụ tập đầy đủ, Ngũ Tổ nói: "Để tôi nói cho các ông nghe, đối với người đời thì sanh tử là việc lớn, song môn nhân các ông suốt ngày cúng dường, chỉ cầu phước điền mà chẳng cầu việc xuất ly khỏi biển khổ sanh tử. Nếu tự tánh của các ông mà mê mờ thì phước cũng chẳng làm sao mà cứu các ông được. Các ông mau quay về phòng tự nhìn vào chính mình, người nào có trí tuệ chắc chắn sẽ nắm bắt được cái bổn tánh của trí Bát nhã, rồi mỗi người làm một bài kệ trình lên cho tôi xem. Tôi sẽ đọc kệ của các ông, nếu như có người nào giác ngộ được đại ý của Phật pháp, tôi sẽ trao lại y pháp cho người ấy và tuyên dương làm vị Tổ thứ sáu. Các ông mau lên cho.
Sau khi được phân phó, các môn nhân ai nấy quay về phòng mình, rồi bàn bạc với nhau rằng: "Chúng mình chẳng cần tịnh tâm cố gắng làm kệ trình lên cho Hòa thượng để làm gì. Thượng tọa Thần Tú là giáo thọ sư. Sau khi Ngài đắc pháp rồi, chúng mình có thể nương cậy vào Ngài, xin đừng ai làm kệ làm gì". Ai nấy cũng đều hết có ý muốn cố gắng làm kệ. Lúc ấy, trước phòng của Đại sư có một hàng hiên ba gian. Trên tường dưới hành lang được dành ra để dự định cho vẽ hình về những mẩu chuyện và giáo lý của kinh Lăng Già, cũng như việc Ngũ Tổ Đại sư truyền thọ y pháp để lưu lại cho đời sau ghi nhớ. Họa sư Lư Trân đã xem xét vách tường và chuẩn bị hôm sau ra tay.
Thượng tọa Thần Tú tư duy: "Mọi người không ai trình tâm kệ cả, bởi vì mình là giáo thọ sư của họ. Nếu như mình không trình tâm kệ, làm sao mà Ngũ Tổ có thể thẩm định được kiến giải trong tâm mình thâm thiển ra sao. Nếu mình trình tâm kệ lên Ngũ Tổ với ý định cầu làm Tổ, thì là việc không tốt, bởi vì như thế thì mình cũng chẳng khác gì bọn phàm phu toan tranh đoạt thánh vị. Song nếu mình không trình kệ, mình sẽ chẳng bao giờ đắc pháp được". Thượng tọa Thần Tú tư duy hồi lâu, trong lòng lấy làm khó xử vô cùng.
Đến nửa đêm, không để ai thấy, Ngài bèn ra viết tâm kệ lên vách tường ở chính giữa khu hành lang phía Nam, mong cầu đắc pháp. "Nếu như ngày mai Ngũ Tổ trông thấy kệ mà hài lòng, thì mình sẽ bước ra mà nhận là của mình. Còn nếu như Ngài bảo là chưa đắc thì kể như túc nghiệp của mình còn nặng, không đủ tư cách để đắc pháp. Thánh ý khó dò, lòng mình lập tức sẽ không còn hoài mong gì nữa".
Thế rồi nửa đêm, Tú Thượng tọa thắp đuốc viết kệ lên vách tường ở chính giữa khu hành lang phía Nam, không để ai hay biết. Kệ rằng:
"Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn siêng năng lau chùi
Đừng để cho bụi bám".
Sau khi viết xong bài kệ, Thượng tọa Thần Tú quay về phòng nằm, không hề có ai trông thấy. Sáng hôm sau, Ngũ Tổ gọi Lư họa sư đến để vẽ hình về kinh Lăng Già dưới hàng hiên phía Nam, Ngũ Tổ bỗng trông thấy bài kệ, sau khi đọc xong, bèn nói với Lư họa sư: "Hoằng Nhẫn tôi xin tặng ông ba ngàn tiền để đền công lao lặn lội từ xa đến, song tôi quyết định không họa hình nữa. Kinh Kim Cang nói, tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng. Sao bằng để bài kệ này, khiến những kẻ còn mê mờ đọc. Nếu họ theo đó tu hành thì sẽ không bị đọa vào ba con đường ác. Tất cả những người theo đó mà tu hành, đều sẽ được ích lợi lớn".
Đại sư bèn gọi tất cả các môn nhân đến, thắp hương trước bài kệ. Mọi người vào xem, đều sinh lòng cung kính.
Ngũ Tổ nói: "Các ông ai cũng nên đọc bài kệ này (thì mới có thể kiến tánh được). Y theo đó mà tu hành thì sẽ không đọa lạc". Môn nhân đều đọc, ai cũng sinh lòng cung kính, kêu lên: "Lành thay!".
Ngũ Tổ bèn gọi Tú Thượng tọa vào phòng của Ngài, hỏi rằng: "Có phải ông làm bài kệ này không? Nếu như ông làm, ông đáng đắc pháp của ta".
Tú Thượng tọa nói: "Đắc tội với Hòa thượng, quả thực bài kệ là do Thần Tú đây làm. Con không dám cầu làm Tổ, chỉ xin Hòa thượng từ bi, xem coi đệ tử có chút trí tuệ nào để lãnh hội đại ý của Phật pháp hay không?".
Ngũ Tổ nói: "Ông làm bài kệ này, thấy ngay rằng kiến giải chưa đến chỗ rốt ráo. Ông chỉ mới đến trước cửa, chưa vào được bên trong. Phàm phu theo bài kệ này mà tu hành, chắc chắn sẽ không đọa lạc. Chứ bằng vào kiến giải như thế này mà cầu Vô thượng Bồ đề thì chưa có thể được. Ông tạm về phòng tư duy thêm một hai bữa nữa, rồi làm một bài kệ khác trình lên cho tôi. Nếu như ông vào được trong cửa, thấy được bổn tánh, tôi sẽ trao y pháp cho ông". Tú Thượng tọa về phòng, song đến mấy hôm sau vẫn không làm được bài kệ nào khác.
Có một đồng tử đi qua phòng giã gạo vừa tụng bài kệ kia. Huệ Năng tôi vừa nghe thấy, đã biết ngay rằng người viết bài kệ ấy chưa thấu được đại ý của Phật pháp. Huệ Năng bèn hỏi đồng tử: "Bài kệ mà vừa rồi chú tụng là dạy gì vậy?". Đồng tử đáp: "Huynh không biết à? Đại sư nói sanh tử là việc lớn, Ngài muốn truyền y pháp cho nên mới dạy môn nhân mỗi người làm một bài kệ trình lên cho Ngài xem, người nào ngộ được đại ý của Phật pháp sẽ được trao truyền y pháp và tuyên dương làm Tổ thứ sáu. Có một Thượng tọa tên Thần Tú, viết một bài kệ vô tường dưới hàng hiên phía Nam, Ngũ Tổ dạy tất cả các môn nhân tụng, người nào thấu triệt được bài kệ này sẽ thấy được tự tánh mình, người nào y theo đó tu hành sẽ đạt được giải thoát".
Huệ Năng đáp: "Tôi ở đây đạp máy giã gạo đã hơn tám tháng trời, chưa bao giờ có dịp ra trước sảnh đường. Xin chú dẫn Huệ Năng đây ra hàng hiên phía Nam để tôi được bái lạy trước bài kệ ấy. Tôi cũng nguyện được trì tụng, mong kết duyên lành trong kiếp sau, ngõ hầu được vãng sanh nơi đất Phật".
Đồng tử bèn dắt Huệ Năng ra dưới hàng hiên phía Nam. Huệ Năng bèn đảnh lễ bài kệ ấy. Bởi vì không biết chữ, cho nên tôi nhờ một người đọc hộ. Vừa nghe xong, Huệ Năng tôi đã thấu triệt đại ý của bài kệ. Rồi lại nhờ một người biết viết, viết hộ lên vách tường phía Tây, để tôi có cơ hội trình bổn tâm mình. Nếu như không biết bổn tâm, có học pháp cũng vô ích, biết tâm thấy tánh mới giác ngộ được đại ý của Phật pháp.

Bài kệ của Huệ Năng tôi như sau:
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Phật tánh thường thanh tịnh
Chỗ nào để nhuốm bụi?

 Lại một bài kệ nữa rằng:
Tâm là cây bồ đề
Thân là đài gương sáng
Gương sáng vốn thanh tịnh
Chỗ nào để nhuốm bụi?

Các đồ chúng trong viện thấy Huệ Năng tôi làm bài kệ ấy đều lấy làm kinh ngạc, trong khi đó tôi lại trở về phòng giã gạo. Ngũ Tổ hốt nhiên thấy Huệ Năng tôi khéo thấu hiểu đại ý của Phật pháp, song sợ chúng nhân biết, Ngài bèn nói với họ rằng: "Bài kệ này cũng vẫn chưa rốt ráo".
Đến nửa đêm, Ngũ Tổ gọi Huệ Năng vào phòng của Ngài và giảng kinh Kim Cang. Vừa nghe qua một lần, tôi đã lập tức giác ngộ và đêm ấy tôi thọ pháp mà không hề có ai hay biết. Ngũ Tổ bèn truyền thọ pháp môn đốn ngộ và y cho tôi. Ngài nói: "Bây giờ ông là Tổ đời thứ sáu, y này là bằng cớ, phải được truyền từ đời này qua đời khác, pháp này phải truyền từ tâm qua tâm, và mọi người phải tự mình giác ngộ lấy". Ngũ Tổ nói: "Huệ Năng, kể từ xưa việc truyền pháp đã như dây tơ. Nếu ông lưu lại ở đây, chắc chắn sẽ có người ám hại ông. Ông nên đi mau thôi".
Sau khi đắc pháp rồi, nửa đêm Huệ Năng tôi bèn cấp tốc ra đi. Ngũ Tổ đích thân tiễn Huệ năng tới đến mãi tận trạm Cửu Giang. Tôi giác ngộ lập tức. Ngũ Tổ lại dặn dò: "Ông phải nỗ lực, đem pháp về phương Nam, trong vòng ba năm không được hoằng pháp, nếu không e sẽ có pháp nạn. Sau đó rồi ông hãy hoằng hóa, khéo dẫn dắt kẻ mê mờ. Nếu như ông khai mở được tâm họ thì họ cũng không khác gì ông". Sau khi tạ từ xong, tôi bèn đi về phương Nam …
(Ghi chú: sau đó Lục tổ phải giả dạng lánh nạn trong suốt gần mười lăm năm mới ra hoằng pháp – Nguyên Đạo)


Lịch sử có khi chỉ là sự lặp lại

Cố đô Huế - Sắc tứ Tường Vân tự. Mười ba thế kỷ trôi qua kể từ dạo ấy.
Từ ngày ấy đến nay trong những chốn thiền môn trên cùng khắp năm châu bốn bể, đã có không biết bao nhiêu bài pháp kệ được trao đi truyền đến, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy không phải là việc trao truyền y bát của những dòng thiền lớn nhưng cũng là do chư Tổ, chư Thánh Tăng từ đời trước truyền lại cho môn đồ đời sau. Đã không biết bao nhiêu bậc đại tăng thạc đức thực chứng và hành đạo, đã từng trao truyền tâm pháp cho đệ tử trong tông môn. Tiếc rằng những sự kiện ấy ở Việt Nam rất ít được ghi lại để cho hậu sanh có cơ hội được chiêm nghiệm và hàng Phật Tử thêm tín tâm, tin tưởng vào sự nhiệm mầu của đạo pháp.
Trong số những vị thạc đức tu chứng ở Việt Nam thời nay, ta phải kể đến Đức đệ nhất Tăng Thống Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17.12.1891 (tức ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão) tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bào huynh của Ngài cũng đi xuất gia là Hòa thượng Trừng Hương Tịnh Hạnh. Ngài Tịnh Hạnh sinh năm Kỷ Sửu (1889), xuất gia năm 1905, thọ Cụ túc giới năm 1910, từng là Trụ trì tổ đình Tường Vân, Huế. Ngài Tịnh Hạnh viên tịch vào năm 1933.
Năm 15 tuổi (1906) Ngài Tịnh Khiết xuất gia với Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ (1858-1921). Năm 19 tuổi (1910) Ngài được đặc cách thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An, tỉnh Quảng Nam với pháp danh là Trừng Thông, pháp tự là Chơn Thường. Năm 1920 Ngài đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là Tịnh Khiết. Năm 1933 Ngài kế vị đảm nhận chức vị trụ trì chùa Tường Vân, sau khi Hòa Thượng Tịnh Hạnh viên tịch. Năm 1938 sau khi xây dựng xong chùa Hội Quán Từ Đàm, An Nam Phật học hội cung thỉnh Ngài kiêm nhiệm trụ trì và chứng minh Đạo sư cho Hội. Năm 1940 Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Ngài làm Giám đốc Đạo hạnh cho Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Bảo Quốc. Đầu năm 1951, Ngài chứng minh và chủ tọa Hội nghị thành lập Giáo hội Tăng già Trung Việt tại chùa Linh Quang, Huế. Năm 1959 Đại hội kỳ III của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, Chư tôn đức Hội nghị cung thỉnh Ngài đảm nhận ngôi vị Hội chủ.
Những năm sau đó chính quyền liên tiếp khủng bố và đàn áp Phật Giáo, nặng nhất là ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Vào ngày 02.02.1962, Ngài Tịnh Khiết đã ký một văn thư gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, với lời khuyến cáo “Tôi muốn tránh cho lịch sử dân tộc một chấm đen, đồng thời muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia, khi mà hàng Phật tử thấy cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình!”. Thế nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã không chịu lắng nghe mà lại càng tiếp tục khủng bố, đàn áp thêm.
Vì thế, cuộc đấu tranh của Phật giáo mùa hè năm 1963 đã bùng phát mạnh mẽ. Trên cương vị lãnh đạo tối cao, dù đã 72 tuổi, Ngài dấn thân không mỏi mệt để dẫn dắt cho phong trào, vẫn luôn đồng cam cộng khổ cùng chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử để lèo lái cho phong trào đến ngày thành tựu. Đầu năm 1964 Hội nghị của mười một Giáo phái và Hội đoàn Phật giáo tại  Sài Gòn cung cử Ngài lên ngôi vị Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN. Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch ngày 25.02.1973 (âm lịch: 23 tháng Giêng năm Quý Sửu), trụ thế 82 tuổi và 63 hạ lạp.

Thuở sinh tiền chí sĩ  Sào Nam Phan Bội Châu từng là bạn tâm giao của Ngài. Lúc cụ Phan đang bị thực dân Pháp đưa về an trí tại Bến Ngự, cụ thường lui tới chùa viếng thăm và đàm đạo với Hòa thượng. Trong một dịp cụ Phan vào chùa vấn đạo, Hòa thượng đã biếu cụ một cây hoa ngọc lan. Sau đó,  Phan tiên sinh mượn nét tinh khiết và hương thơm của hoa để viết tặng Hòa thượng một bài thơ tán thán mật hạnh vô vi của Ngài. Bài thơ như sau:


Nguyên văn chữ Hán:

前 身 種 出 自 蓬 莱
唯 向 菩 提 院 裏 栽
素 萬 光 争 冬 夜 雪
奇 芳 品 奪 領 頭 梅
真 香 王 者 天 垂 賞
荘 此 嫦 娥 月 暗 猜
唯 佛 從 来 能 識 佛
慇 勤 惠 我 此 花 魁
巢 南


     Hình chụp bài thơ của cụ Sào Nam Phan Bội Châu, mượn cành hoa ngọc lan
tán thán mật hạnh của HT Thích Tịnh Khiết

Phiên âm:
Tiền thân chủng xuất tự bồng lai,
Duy hướng bồ đề viện lý tài.
Tố vạn quang tranh đông dạ tuyết,
Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai.
Hương chân vương giả thiên thuỳ thưởng,
Trang thử thường nga nguyệt ám xai.
Duy Phật tùng lai năng thức Phật,
Ân cần huệ ngã thử hoa khôi.
Sào Nam

Bản dịch của thầy Chơn Thiện:
Thân trước vốn người tự cõi tiên
Sao vì trí giác đến rừng thiền,
Sắc màu đông tuyết còn thua thắm
Hương chất hoàng mai lại kém duyên.
Dáng vẻ triều vương trời ái mộ
Hằng nga trang tỉ nguyệt ưu phiền.
Phật duyên tương cảm nên tương ngộ
Cành ngọc lan trao tới cựu hiền .

Bản dịch của Nguyên Hồng:
Giống tự Bồng lai đến cõi này,
Bồ đề viện nội trổ nên cây.
Sắc màu rực rỡ đêm đông tuyết,
Hương toả đầu non tựa lão mai.
Vương giả chân hương trời bủa xuống,
Hằng nga cốt cách nguyệt nhường ngôi.
Chỉ Phật mới hay thân Phật Tổ,
Ân cần trao gửi nhánh hoa tươi.

 

Xin ghi lại một vài hình ảnh về Ngài đệ nhất Tăng Thống:

 
 
Đức Đệ nhất Tăng Thống Cố Trưởng Lão
Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết (hình năm 1971)

 


Thầy và Trò (hình chụp năm 1964) đều là bậc xuất chúng.

Chân dung của Ngài vào thập niên 1930

Hình của Ngài năm 1970

Văn bia tại bảo tháp của Ngài ở tổ đình Tường Vân có ghi Bài Tưởng niệm do Thiền Sư Quy Thiện ở Huế trứ tác, thay cho Chư Tăng Ni ở chốn thần kinh tán thán công đức Ngài và bào huynh Ngài là Hoà thượng Tịnh Hạnh, ví như anh em hai đại luận sư Vô Trước và Thế Thân thời xưa.

Văn bia ghi như sau:

Hương giang chi nguyệt; Ngự lĩnh chi vân; Sơn xuyên dục tú; Đỉnh xuất Kỳ nhân;
Giác trần thị huyễn; Duy đạo vi trân; Nghi huynh nghi đệ; Vô Trước Thiên Thân;
Chấn khởi thuyền phong; Chiết phục tà thái; Hoả mãn diêm phù; Kỳ huynh nan tái;
Vân án trường thiên; Ba cuồng đại hải; Huệ chúc từ phàm; Duy sư thị lạ;
Vi giáo hội chủ; Vi chúng trung tôn; Giáo lưu nam độ; Thục dự tỉ luân;
Pháp hoằng gia vụ; Đạo kế tông môn; Nghi đoan biểu chính; Mục kích đạo tồn;
Bổng xướng tuỳ nghi; Nhân hàm kính ngưỡng; Thanh tịnh nan danh; Ứng dụng vô lượng;
Phật pháp đống lương; Tông môn bảo chướng; Tuyển Phật tràng trung; Lễ tôn Hoà thượng; Xuân thành hậu tấn; Cửu phụ đức âm; Vô nhĩ biểu thành; Kiền bị chuyết châm;
Nguyệt thuỳ liên nhãn; Phủ giám quy thâm; Vĩnh phụng trần sát; Tương thử thâm tâm.

Nghĩa:
(theo bản dịch của Tâm Quang, Trang nhà GĐPT Việt Nam)
Trăng sông Hương, mây núi Ngự, tinh anh sông núi khéo đúc nên bậc khác thường.
Giác ngộ trần lao như huyễn, chỉ Đạo là quý. Xứng huynh xứng đệ như Vô Trước Thiên Thân. Chấn hưng Thiền phong, chiết phục tà thái. Hóa độ cõi Ta bà đã xong, thì anh Ngài về chầu Phật.
Than ôi! Mây phủ ngất trời, sóng gầm biển lớn. Đuốc tuệ thuyền từ chỉ còn Ngài làm chỗ cậy nương. Làm Pháp chủ Giáo hội, làm bậc Chúng trung tôn. Giáo pháp lưu truyền đất Nam mấy ai sánh kịp. Xem việc Hoằng pháp là việc nhà, nối tiếp Đạo thống Tông môn. Hình nghi đoan chánh, mắt trừng ánh đạo, đánh hét tùy cơ. Người người kính ngưỡng.Thanh tịnh khó bàn, ứng dụng vô lượng, đống lương của Phật pháp, bình phong che chở Tông môn.Trong trường tuyển Phật, suy tôn Hòa thượng. Kẻ hậu lai ở cố đô từ lâu nương nhờ ân đức, không biết lấy gì bày tỏ, xin cung soạn bài Châm vụng về này, ngưỡng mong Ngài hạ cố chứng giám lòng thành.
Nguyện đem thâm tâm này vĩnh viễn phụng sự chúng sanh!

Câu chuyện độc đáo ghi lại khả năng nhìn thấu suốt sự việc 42 năm sau của một bậc chứng ngộ là Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết có liên quan mật thiết đến tấm bia này.

 

Túi gấm đà tháo mở, bảo vật hiển lộ ra

     Vào cuối năm 1972, một vị đệ tử của Ngài Tăng Thống Thích Tịnh Khiết là Hòa thượng Thích Chơn Thiện đang du học ở Hoa Kỳ. Thầy Chơn Thiện là một nhà nghiên cứu, một giảng sư có tiếng và người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Phật Giáo. Lúc ấy Thầy đang viết tiểu luận cao học tại đại học Ohio Hoa Kỳ về chủ đề Hướng dẫn Khải đạo (guidance and couseling) trong ngành giáo dục. Cá nhân chúng tôi được cơ duyên quen biết với Thầy từ dạo ấy. Những ngày cùng ở Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, Thầy cũng nhiều lần hướng dẫn cho chúng tôi về Phật pháp, đặc biệt về lý Duyên khởi, về kinh tạng đối chiếu Pali-Hán Tạng và về một ý hướng giáo dục Phật Giáo. Thầy luôn giữ nếp sống đạo hạnh mẫu mực của một tu sĩ đã „thấm tương chao“ từ chốn tổ đình.Thầy giảng pháp say mê lôi cuốn, như rút ruột truyền trao cả kiến thức thầy có được cho người nghe, say sưa giảng có khi văng tung tóe bọt miếng. Những bài giảng ngắn dài ấy, qua những lần trò chuyện đượm tình cảm đã có những tác động mạnh trong tôi, nên sau những ngày ấy tôi đã quyết định chuyển từ đại học khoa học về học ngành giáo dục ở Vạn Hạnh. Giai đoạn này Thầy Chơn Thiện chưa hề nghĩ mình sẽ có lúc lập Chùa hay nhận chức trụ trì, nếu có chăng là chỉ sẽ lập cơ sở giáo dục hay nghiên cứu mà thôi. Thời gian trước khi đi Mỹ du học, Thầy cũng đã từng nhiều năm làm thị giả hầu Ôn Tăng Thống. Thầy cũng đã kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện về hành trạng của Ôn, chứng tỏ Ôn là một bậc tu hành thực chứng.
Sau khi Thầy Chơn Thiện đi du học vắng chùa thì vị sư đệ của Thầy là Thầy Chơn Hương thay làm thị giả cho Ôn. Vào một buổi sáng, khi hầu Ôn đi dạo trong sân chùa, ngang qua tấm bia văn có ghi bài châm của Thiền Sư Quy Thiện nói ở phần trước, Thầy Chơn Hương kể lại Ôn nghe một kỷ niệm cũ với Thầy Chơn Thiện. Thầy Chơn Hương kể là trước đây có lần mấy huynh đệ ở Tường Vân đã ngồi ở đây nghe Thầy Chơn Thiện đọc cho nghe bia văn này và giải thích ý nghĩa bài châm ấy. Thầy giảng nghĩa say mê và xúc động đến rơi nước mắt. Thầy Chơn Thiện cũng từng mua sơn về tự tay tô lại những nét chữ trên bia bị lu mờ qua năm tháng.
Khi nghe chuyện xong Ôn Tăng Thống trầm ngâm một lát rồi ôn tồn nhận xét: “Chơn Thiện có trí tuệ, có đạo hạnh, lại có tính thầm lặng. Sau này có thể gặp khó khăn, lại đa đoan công việc”.
Thế rồi trưa hôm đó, Ôn dạy lấy quyển vở học trò có kẻ ô, Ôn dùng một trang viết một bài kệ. Ôn dặn Hòa thượng Chơn Hương: “Đến khi nào Chơn Thiện hết đa đoan, trở về Tổ đình chăm lo Phật sự, phát triển tông môn, thì trao bài này cho Chơn Thiện”.
Ôn còn lấy ra một hộp tròn nhỏ, đường kính độ 5 phân, bên trong có tượng Phật móc vào một sợi dây chuyền khoảng một lượng vàng. Ôn dặn Thầy Chơn Hương phải cất kỹ, bí mật, không được hé lộ cho ai.
Năm tháng trôi qua. Vào năm 2004, Hòa thượng Chơn Thiện trở về an trú tại tổ đình Tường Vân ở Huế sau khi từ nhiệm Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2012, khi Hòa thượng Thích Minh Châu viên tịch thì Tường Vân chưa có ai kế vị trụ trì. Vào năm 2014, nhân lễ Đại tường của Ôn Minh Châu, tông môn Tường Vân hội tụ và cùng suy cử Hòa thượng Thích Chơn Thiện đảm nhiệm chức vụ trụ trì. Nhân dịp ấy Hòa thượng Thích Chơn Hương mới tường thuật lại với Tăng chúng tông môn về bài pháp kệ và hộp tượng Phật vàng như đã nói trên.
Tưởng cần nói thêm ở đây, cái tên Chơn Thiện là pháp hiệu của Hòa Thượng. Hòa Thượng còn được Ôn Tăng Thống ban pháp danh là Tâm Ngộ, pháp tự là Viên Giác.


Bài pháp kệ của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết nguyên văn như sau:

歲次壬子年七月十六曰午牌付:
心 悟 禅 機 真 木 体
善 權 應 用 且 隨 緣
付 汝 玄 微 明 了 徹
圓 覺 承 當 祖 印 傳
汝 師 淨 潔 付 法 偈 法 子 圓 覺 善 護 持

Phiên âm:
Tuế thứ Nhâm Tý niên, thất nguyệt, thập lục nhật, ngọ bài phó:
Tâm ngộ thiền cơ chơn bổn thể
Thiện quyền ứng dụng thả tùy duyên
Phó nhữ huyền vi minh liễu triệt
Viên Giác thừa đương tổ ấn truyền.
Nhữ sư Tịnh Khiết phó Pháp kệ - Pháp tử Viên Giác thiện hộ trì.

Nghĩa:
(theo bản dịch Như Hiền, VHPG số 221)
Bài viết vào buổi trưa ngày 16 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 1972):
Tâm tỏ ngộ được bổn thể chân thực của thiền cơ
Khéo linh động ứng dụng, hãy tùy theo cơ duyên
Trao cho ông chỗ rốt ráo sáng tỏ của lẽ huyền vi
Viên Giác tiếp nhận ấn do Tổ truyền.
Thầy của ông là Tịnh Khiết trao Pháp kệ cho Pháp tử Viên Giác, hãy khéo hộ trì.


 
Di bút bài pháp kệ của Đức Đệ Nhất Tăng Thống Trưởng Lão Hòa Thượng
Thích Tịnh Khiết viết đơn giản trên một cuốn vở học trò vào năm 1972

 

Vào năm 1972, người sinh viên học tăng trẻ Thích Chơn Thiện đang du học ở Mỹ chưa hề nghĩ mình sẽ có ngày về Huế nhận cương vị Trụ Trì ngôi Tổ Đình to lớn như Sắc tứ Tường Vân tự. Sư phụ của Thầy đã nhìn thấy điều ấy ngay  từ ngày đó. Sư phụ cũng theo nề nếp thiền môn như chư Tổ ngày xưa, viết lời pháp kệ để lại cho hậu bối tông môn.
Buổi trưa hè hôm ấy, mực chưa kịp mài, giấy chưa kịp vuốt thẳng nếp, nhưng Ôn đâu sá gì những hình tướng nọ. Chỉ một mãnh giấy học trò rẻ tiền, một cây bút bi bình thường, những vật quá giản đơn nhưng cũng đủ chở nội dung một bài pháp kệ cao quý.
Điểm đẹp khác trong câu chuyện ở đây là, Hòa Thượng Chơn Thiện sau bao năm bôn ba hành đạo phương xa, gặp bao nhiêu đa đoan chướng ngại trong công việc như Ôn đã nhìn thấy và đã dạy lại, nay về nhận cương vị Trụ Trì tổ đình mà không hề có mảy may chút tị hiềm đố kỵ của huynh đệ, đồ chúng trong môn phái, dù Tường Vân đã trải qua bao nhiêu đời trụ trì, bao nhiêu đời giám tự. Tội nghiệp, ngày xưa Lục tổ Huệ Năng đã phải từng gánh chịu suốt 15 năm dài trốn tránh kẻ ác tâm. Đấy thật là một điểm son.
Lại cũng khá khen và bái phục Hòa Thượng Chơn Hương, người đã cố công thầm lặng gìn giữ di vật của Ôn, một bảo vật tôn quý của tông môn trong suốt thời gian dài 42 năm qua.

Lành thay Phật ra đời - Lành thay Pháp được giảng - Lành thay Tăng hòa hợp!

 

 

 

Tài liệu tham khảo và nguồn trích dẫn:

Kinh Pháp Bảo Đàn – Bản Đôn Hoàng Động. Dịch giả: Thích Mãn Giác. Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2003.
Thích Chơn Thiện: Hoa Ngọc Lan. Nxb tphcm, 1998
Như Hiền: Phó Pháp Tường Vân.Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 221.
Tài liệu đánh máy cá nhân của Nguyễn Hiền Đức từ Maryland Hoa Kỳ.
Các trang Web: www.Budsas.org / www.QuangDuc.com / www.DaoPhatNgayNay.com   / www.gdptvn.org

 

 

 

>> quay lại <<

 

 

Joomla templates by a4joomla